Bất động sản sẽ là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ đợt đáo hạn này, khi kênh tín dụng vào lĩnh vực Bất động sản cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ.
Số liệu từ KBSV cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 5 đạt 50.144 tỷ đồng tăng mạnh 200% so với tháng trước, đóng góp chủ yếu đến từ 525 triệu USD phát hành trái phiếu quốc tế của Tập đoàn Vingroup (chiếm 60%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn, chủ yếu ở nhóm ngân hàng chiếm 60% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước cho thấy các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), 1 trong các chỉ tiêu để được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng và vừa đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu Basel 2 và 3. Bên cạnh đó, nhóm Bất động sản cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại sau 1 tháng không có đợt phát hành nào, và chiếm 22% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước.
Các doanh nghiệp có xu hướng phát hành với kỳ hạn không có nhiều sự phân hóa trong tháng 5 với kỳ hạn phát hành bình quân 3 năm. Nhóm điện là nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 5.7 năm. Bên cạnh đó, nhóm tài chính lại là nhóm có kỳ phát hạn thấp nhất trong tháng với bình quân đạt 2 năm.
Năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của các doanh nghiệp có quy mô 230.000 tỷ đồng, trong đó đáo hạn tập trung ở nhóm bất động sản đạt 98.000 tỷ đồng, các ngân hàng đạt 70.000 tỷ đồng, còn lại ở nhóm ngành sản xuất…
KBSV đánh giá nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao, tuy nhiên sẽ gặp phải nhiều thách thức về mặt chính sách và pháp lý trong bối cảnh Chính Phủ đang triển khai việc kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thông qua dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐCP.
Đặc biệt nhóm Bất động sản sẽ là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ đợt đáo hạn này, khi kênh tín dụng vào lĩnh vực Bất động sản cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ. Dự báo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hoạt động ở mức thấp trong vài tháng tới, khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cần thời gian để làm quen và thích ứng dần với sự thay đổi trong chính sách, và pháp lý.
Về thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng nhẹ lên 23.195 (+1.62% YTD) vào cuối tháng 5 và tỷ giá chợ đen cũng xu hướng tăng cao khi chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế vẫn tiếp tục nới rộng khoảng cách và lập đỉnh mới (tại ngày 31/05 chênh lệch ở mức 18.0 triệu đồng/lượng).
Diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng, dù không quá lớn với nguồn cung ngoại tệ duy trì ổn định nhờ: 1. FDI giải ngân ổn định. Cụ thể, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 7,7 tỷ USD (+8% YoY); 2 Dòng tiền kiều hối về Việt Nam tích cực, riêng thành phố Hồ Chí Minh trong Quý 1/2022 đã đạt 1.8 tỷ USD, tăng 14% YoY; và 2 yếu tố trên đủ để bù đắp cho cán cân thương mại lũy kế 5 tháng đầu năm thâm hụt nhẹ 0,43 tỷ USD.
Chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD với rổ tiền tệ) đã tăng 6,4% từ đầu năm lên 101.752 điểm vào cuối tháng 5 và tiếp tục neo cao. Các yếu tố chính hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng USD đến từ: Lạm phát của Mỹ đạt 8,6% cùng với tình trạng thiếu hụt công nhân ở thị trường lao động có thể khiến Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,5 - 0,75% trong tháng 6 để kìm hãm đà tăng của lạm phát; và Rủi ro địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Theo Kiều Linh (VnEconomy)
Các tin khác