Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, bất chấp giao dịch giảm, giá nhà liền thổ ở các tỉnh thành vẫn tăng mạnh.
Giá tăng khắp nơi
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm của Công ty Savills Việt Nam, trong 6 tháng vừa qua, đối với phân khúc nhà liền thổ, biệt thự, nhà phố, nguồn cung sơ cấp chỉ hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ nguồn cung giảm, tỷ lệ hấp thụ đối biệt thự, nhà phố, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ trong 6 tháng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Đáng nói. mặc cho giao dịch giảm, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng giá mạnh, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp thị trường khó khăn, giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng - ẢNH: ĐÌNH SƠN
Trong báo cáo về thị trường bất động sản công bố vào tháng 5.2021, Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Mức giá bình quân tại các địa phương tăng khoảng 5-10% so với quý 4/2020.
Một số dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội có mức tăng giá cao so với mức tăng bình quân như: Hoàng Thành Villas tăng khoảng 7%, Vinhomes The Harmony tăng gần 10%… Tại TP.HCM khu đô thị Phú Mỹ Hưng tăng khoảng 4,7%, Villa Riviera tăng khoảng 6,6%, khu đô thị Vạn Phúc City tăng khoảng 10%... Tại Đà Nẵng dự án Kim Long City tăng khoảng 7,5%, tại Hải Phòng dự án Belhomes Hải Phòng, Vinhomes Cầu Rào 2 tăng khoảng 11%; tại Đồng Nai dự án Aqua City tăng khoảng 5%, Swan Park tăng hơn 7%…
Đối với đất nền, giá giao dịch trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như. Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 - 50 triệu đồng/m2, bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%. Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực TP.Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… có vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu/m2. Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2.
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa. Tại TP.HCM là TP.Thủ Đức, huyện Cần Giờ. Tại Đồng Nai là Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành… Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Dự báo còn tăng
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, nhận định vì nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho thấp nên lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá bán của căn hộ và nhà phố, biệt thự, đều có xu hướng tăng. Đối với phân khúc biệt thự, nhà phố, do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán.
“Với kỳ vọng sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước trong quý 3/2021 cùng với các chiến dịch tiêm vắc xin cho cộng đồng cũng đang được triển khai rộng rãi, nhanh chóng. Thị trường sẽ có những dự án tiếp tục mở bán vào những tháng cuối năm nay và đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức độ sẽ không bùng phát như những thời điểm trước đây, mà có thể sẽ chậm chạp hơn, khôi phục một cách bền vững hơn. Dự báo giá nhà đất vẫn tăng do người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn”, bà Trang nhận định.
Nguồn cung khan hiếm cộng với việc người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn nên dự báo giá nhà đất vẫn có xu hướng tăng - ẢNH: ĐÌNH SƠN
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong các chỉ số của thị trường chỉ có chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động. Giá bất động sản nhìn chung đều có tăng và có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực của các địa phương.
Nguyên nhân được cho là các địa phương rất tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh, trong đó có chủ trương đầu tư các dự án lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc sáp nhập, mở rộng, nâng cấp đô thị nhưng chưa có thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân để giới đầu cơ lợi dụng tung tin, đồn thổi đẩy giá bất động sản.
Đồng thời đang có xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển do: các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch mức cao; lãi suất tiền gửi với mức lãi suất thấp không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.
Việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây mặc dù chưa tác động trực tiếp làm tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án nhưng cũng có tác động tâm lý đến giới đầu tư bất động sản đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu.
“Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…”, một lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định.
Theo Đình Sơn (thanhnien)
Các tin khác