Dòng chảy này bắt đầu mở rộng khi tần suất dày lên với tất cả các ngày làm việc trong tuần, kỳ hạn đã đa dạng và dài hơn…
Như BizLIVE đề cập vừa qua, ngày 13/7 thị trường đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của Kho bạc Nhà nước (KBNN) “bơm tiền” qua nghiệp vụ sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của KBNN mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Khi lượng tiền cung ứng qua mua ngoại tệ của NHNN dần hạn chế đi thì kênh của KBNN bắt đầu mở rộng (Ảnh minh họa)
Qua kênh này, nguồn tiền mới sẽ chảy ra khi các chủ sở hữu TPCP bán lại cho KBNN để lấy nguồn đưa vào thị trường.
Về mặt tạo cung cho thị trường, giao dịch này gần gũi với kênh “bơm tiền” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở (OMO), qua việc nhà điều hành chính sách tiền tệ cho vay cầm cố các giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng (chủ yếu là TPCP) có kỳ hạn. Tuy nhiên, kênh này của NHNN gần như “đóng băng” kéo dài, do không phát sinh giao dịch, và có thể do lãi suất cao hơn nhiều so với các thị trường hiện nay (2,5%/năm kỳ hạn 7 ngày) và chỉ duy nhất 1 kỳ hạn rất ngắn là 7 ngày chào thầu thời gian qua.
Kênh “bơm tiền” của KBNN qua mua lại có kỳ hạn TPCP dù cũng ngắn hạn nhưng đang cho thấy đa dạng hơn về kỳ hạn và tần suất.
Cụ thể, theo thông báo của KBNN, từ tuần tới đầu mối này sẽ tổ chức mua lại có kỳ hạn TPCP với tất cả các ngày làm việc trong tuần, từ 06/9 đến 10/9. Trong đó, các kỳ hạn phổ biến nhất là 14 và 21 ngày; kỳ hạn ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 3 tháng.
Như vậy, với việc có các kỳ hạn từ 1-3 tháng, các ngân hàng thương mại - đối tượng tiếp cận chính - có thêm lựa chọn dài hơn trong cân đối nguồn, thay vì nhu cầu cân đối thanh khoản rất ngắn hạn.
Trước đó, trong phiên đầu tiên ngày 13/7, khởi động kênh “bơm tiền” mới này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và KBNN đã phối hợp tổ chức thành công phiên đấu thầu mua lại TPCP có kỳ hạn. KBNN gọi thầu 800 tỷ đồng TPCP với kỳ hạn mua lại là 14 ngày. Có 5 thành viên tham gia chào giá, tổng khối lượng chào giá đạt 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả, khối lượng trúng thầu mua lại chỉ đạt 300 tỷ đồng với 2 thành viên trúng thầu.
Đến nay, với lịch tổ chức nói trên, KBNN đã bắt đầu mở rộng hoạt động này. Điểm liên quan được chú ý: theo dữ liệu BizLIVE tìm hiểu , sau khi đã tập trung đáo hạn chủ yếu trong tháng 7 và 8, nguồn tiền bơm ra thị trường qua kênh mua vào ngoại tệ của NHNN đáo hạn đã giảm thiểu trong tháng 9 đến tháng 11 này, trong khi NHNN đã chuyển qua phương thức mua ngoại tệ giao ngay. Khi kênh này giảm thiểu thì thị trường bắt đầu có hướng mở rộng mới của kênh KBNN.
Về quy mô, KBNN cho biết khối lượng giao dịch các phiên sẽ công bố cụ thể theo mỗi phiên, còn riêng trong quý 3 này tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là 54.760 tỷ đồng.
Theo Minh Đức (CafeF)
Các tin khác