Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Theo đó, giá nhà thương mại dự kiến sẽ tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.
Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19. Dù vậy, theo số liệu khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá nhà ở vẫn tiếp tục tăng bất chấp dịch bệnh. Báo cáo về thị trường Việt Nam quý 4/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, giá nhà đã lập đỉnh suốt thời gian qua không ngừng nghỉ.
Theo đó, trong quý IV/2021, nguồn cung căn hộ mới tăng 42% so với quý 3/2021 tương đương khoảng 4.500 căn nhưng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh Minh Họa
Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ 4 dự án mới. Tính cả năm 2021, nguồn cung sơ cấp xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua với hơn 33.600 căn, giảm 21% theo năm. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp.
Số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 7 điểm % theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, trong năm nay, giá nhà ở vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật. Việc tăng giá cũng sẽ rất thận trọng. Giá sẽ ở ngưỡng hợp lý, biệt thự tăng từ 6-7%, trong khi đó nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện cơ bản sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE nhận định, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá bất động sản của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng trên thị trường. Điển hình, tại TP. HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2020 chỉ đạt 73% thì đến quý IV/2021, tỷ lệ này đạt 82%. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung còn hạn chế.
Ảnh Minh Họa
Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM, mặc dù nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng thị trường bất động sản trong năm 2022 vẫn gặp khó về nguồn cung, do "nút thắt cổ chai" về pháp lý trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ. Thiếu hụt nguồn cung nhà ở từ các dự án mới cho thị trường là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư thứ cấp và người môi giới lợi dụng đẩy giá bán, gây ra các "cơn sốt" đất hoặc chính các chủ đầu tư đẩy giá bán nhà tăng cao. Một khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo ra sự phát triển lành mạnh hơn, nhất là việc phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường bất động sản phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản, các ngành nghề khác còn nhiều rủi ro… Đó là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong năm 2022, giá thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, khu vực TP. Thủ Đức (TP. HCM) hiện giá nhà đất ở mức cao nhưng sẽ tiếp tục tăng. Thị trường bất động sản sẽ chuyển biến tốt vì dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nguồn tiền trong người dân còn nên nhiều người vẫn chọn kênh đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, TP. HCM sẽ đẩy mạnh nhiều gói đầu tư công, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tác động tích cực cho thị trường bất động sản.
Theo Tuấn Minh (CafeF)
Các tin khác