Bất động sản TP.HCM chờ cú huých hạ tầng 2018

Bất động sản TP.HCM chờ cú huých hạ tầng 2018

Trang chủ » Tin tức » Bất động sản TP.HCM chờ cú huých hạ tầng 2018

Hàng loạt dự án giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018, sau hàng chục dự án đã được hoàn thành 2016 – 2017 được cho là đầu kéo giúp thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh.

 Đường sắt đô thị sẽ là cú huých lớn cho bất động sản vùng ven.

 

 

Đôi bạn cùng tiến

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải mua TP.HCM cho biết, từ năm 2015 tới nay, TP.HCM đã hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm trong chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông và liên kết vùng, tạo đà cho chương trình giãn dân của TP.HCM trong năm 2018.

Cụ thể, năm 2015 đưa vào hoạt động đường Phạm Văn Đồng nối Sân bay Tân Sơn Nhất với khu Đông, đi các tỉnh Đông Nam bộ, mở rộng xa lộ Hà Nội nối khu Đông vào trung tâm Thành phố, hoàn thiện việc xây mới hai tuyến đường là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt nối trung tâm Thành phố với khu Tây và các tỉnh Tây Nam bộ.

Ngoài ra, Thành phố cũng hoàn thành mở rộng và đang nâng cấp tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Quốc lộ 22 đi các tỉnh Long An, Tây Ninh. Đồng thời, xây mới hàng loạt cầu vượt, hệ thống hầm chui ngầm, xây dựng tuyến tàu điện ngầm metro…

Khảo sát từ những tuyến đường này cho thấy, các tuyến đường đều trên 4 làn xe, mở rộng lưu thông, nên rất hiếm cảnh kẹt xe. Điểm đáng chú ý, khi các tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng, thì các dự án bất động sản cũng kịp thời bàn giao cho khách hàng hoặc tiến hành xây dựng.

Đơn cử, tại đường Phạm Văn Đồng, ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án cao ốc và biệt thự phố được các chủ đầu tư như Đất Xanh, Him Lam Land, Thủ Đức House được xây dựng dọc theo tuyến đường này, như 4S Riveside, Opal Riverside, Opal Garden, 4S Linh Đông, Tecco, căn hộ Linh Tây… Đặc biệt, các dự án này nằm trải đều toàn tuyến, không chỉ nằm trên địa phận TP.HCM, mà còn cả địa phận tỉnh Bình Dương.

Tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh, nối quận 2, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh (TP.HCM) với tỉnh Long An, trước năm 2007, khi tuyến đường này chưa xuất hiện, chỉ lác đác một số dự án đất nền, nhà phố, ít xuất hiện cao ốc. Thế nhưng, sau khi đường Nguyễn Văn Linh có chiều dài 10 km được khánh thành, đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án chung cư cao cấp, trung cấp và giá rẻ đã ồ ạt mọc lên sát hai bên đường.

Tương tự, khi Đại lộ Võ Văn Kiệt dài 10 km, nối quận 1 (TP.HCM) về hướng Quốc lộ 1A đi Long An và các tỉnh miền Tây được khánh thành, hàng loạt dự án bất động sản “chết lâm sàng” trước đó đã được hồi sinh.

Ngoài ra, sau khi dự án cải tạo mở rộng hai tuyến đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội, nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai được hoàn thành, thị trường bất động sản khu vực đã thay đổi nhanh chóng. Thống kê từ Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho thấy, hiện đã có hơn 50 dự án bất động sản với hơn 30.000 căn hộ từ thấp tới cao tầng được xây dựng mới dọc 2 tuyến đường trên.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt trên cao Metro số 1 đang xây dựng, dù tiến độ chậm, nhưng cũng tạo ra một đòn bẩy cho thị trường bất động sản. Dự án có điểm đầu là Bến Thành (quận 1, TP.HCM) kéo tới điểm cuối là quận thủ Đức (TP.HCM) về tỉnh Đồng Nai. Năm 2007, khi tuyến đường sắt này được động thổ xây dựng, tới nay, có ít nhất 20 dự án bất động sản với gần 20.000 căn hộ phát triển dọc tuyến…

Đánh giá về tác động của hạ tầng giao thông tới thị trường bất động sản, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, TP.HCM đang chịu áp lực về dân số lớn, áp lực này tác động trực tiếp lên hạ tầng giao thông và cả nhà ở. Chính vì vậy, những dự án giao thông xây mới hoặc mở rộng trong thời gian qua là những cú huých quan trọng.

“Chính sách phát triển hạ tầng giao thông trước, phát triển dân số sau cho thấy TP.HCM đi đúng hướng phát triển vùng lõi trung tâm tới phát triển vùng ven, để rồi đẩy mạnh chính sách giãn dân từ trung tâm ra vùng ngoại ô. Điều này đi đúng với chính sách phát triển đô thị ở các nước lớn trên thế giới. Đặc biệt, lợi thế của TP.HCM khác với các nước khác, đó là ở các nước châu Âu, đô thị vệ tinh phải nằm trong bán kính 200 km, còn TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ cách nhau khoảng 30 km, nên có thể gọi các tỉnh lân cận của TP.HCM là vùng ngoại ô. Điều này giúp Thành phố giảm kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông”, ông Neil MacGregor nói.

“Các đợt sốt nóng của thị trường đất nền trong giai đoạn cuối năm 2016, nửa đầu năm 2017 cũng xuất phát từ thông tin hạ tầng”, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết.

Hạ tầng tiếp tục phát triển

Ngày 2/1/2018, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Thành phố năm 2018, trong đó một chính sách trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2017, Thành phố đã hoàn thành đạt và vượt 16/19 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2017, nhưng chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm thiểu ùn tắc giao thông vẫn chưa hoàn thành tốt.

Theo ông Phong, năm 2018, Thành phố sẽ tăng tốc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, bằng việc tiến hành triển khai hàng chục dự án xây dựng dự án giao thông trọng điểm như các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 kết nối với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng những cây cầu vượt tại các ngã tư, hệ thống hầm chui (hầm chui An Sương nối đường Lê Trọng Tấn vào Quốc lộ 22, hầm chui xa lộ Hà Nội vào Quốc lộ 1A)…

“Về dài hạn, cần tìm nguồn vốn đầu tư vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4. Nếu không, các tuyến đường vành đai sẽ không hết kẹt xe, vì vậy cần phải tăng tốc thu hút nguồn vốn đầu tư”, lãnh đạo TP.HCM nói.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, sau gần 2 năm, Thành phố đã xây dựng được 106 km đường mới, xây dựng 21 cây cầu mới, tỷ lệ đất dành cho giao thông nâng lên 8,73%; đã xóa 12 điểm ngập (đạt 35%).

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần tập trung giải quyết trong năm 2018, gồm 3 trụ cột chính là khai thác tốt nhất hạ tầng hiện có, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch các chương trình trọng điểm, tổ chức hiệu quả loại hình vận tải công cộng hiện hữu. Đồng thời, đưa ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình điều phối, kiểm soát các công trình giao thông. Ngoài ra, chúng tôi ưu tiên tập trung đầu tư phát triển đường thủy kết nối trên sông Sài Gòn, Đồng Nai”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, năm 2018, sẽ tiếp tục có vốn phát triển tuyến Metro số 1, bên cạnh việc mở rộng các tuyến đường khu Nam vào trung tâm Thành phố như đường Hoàng Diệu, quận 4; Nguyễn Tất Thành, quận 4; xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2; mở rộng tuyến đường Quốc lộ 13; hoàn thành xong việc mở rộng tuyến xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50… Những dự án này sẽ tạo đà cho TP.HCM giảm tải được tình trạng quá tải giao thông cũng như thực hiện được chính sách giãn dân ra vùng ven.

Nhận định về các động thái này, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp địa ốc đón đầu bằng việc mua quỹ đất, cũng như bắt tay phát triển dự án tại các quận, huyện vùng ven.

Đại diện các chủ đầu tư cho rằng, việc phát triển dự án bất động sản bám sát vào dự án giao thông là một bài toán mà họ đặt lên hàng đầu. Yếu tố đầu tiên được tính tới trong việc săn quỹ đất phát triển dự án là dự án này giáp với trục đường chính nào, có dự án giao thông nào chuẩn bị xây dựng không…

Theo Gia Huy/Báo đầu tư

Các tin khác