Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ như thế nào là giá thị trường vì hầu hết quan chức đều ngại, đến Chủ tịch tỉnh cũng không dám quyết định do khái niệm không rõ ràng trong luật.
Góp ý dự thảo luật tại hội thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, có hàng trăm dự án bất động sản đang đắp chiếu vì vướng các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật về đất đai. Một dự án bất động sản liên quan tới 18 luật hiện hành, nên sự chồng chéo pháp luật trong triển khai dự án quá phổ biến, vướng cái nọ, cái kia nên dự án ách tắc. Trong đó, vướng nhiều nhất liên quan tới Luật đất đai và Luật đầu tư.
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Ngọc Mai
Liên quan tới vấn đề bỏ khung giá đất, ông Hiệp cho hay, trước Luật đất đai 2013 cứ 5 năm điều chỉnh khung giá đất một lần. Nhưng thực tế dự án nào cũng phải định giá đất 2 lần, cấp chuyên viên một lần, cấp lãnh đạo một lần. Giờ sửa đổi theo hướng mỗi năm ban hành 1 bảng giá đất là rất tiến bộ, tốt cho công tác đầu tư. Nhưng khái niệm hệ số biến động giá thị trường trong dự thảo luật rất khó hiểu, nên có quy định thật cụ thể để địa phương thực hiện.
"Dự thảo luật cần quy định rõ thế nào là giá thị trường vì hầu hết quan chức đều ngại, đến chủ tịch tỉnh cũng không dám quyết định do khái niệm không rõ ràng trong luật", ông Hiệp nói.
Tại hội thảo, một số nhà đầu tư đã đề cập tới việc cấp quyền sử dụng đất cho người nước ngoài trong sửa đổi luật lần này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, đây là vấn đề không chỉ Việt Nam, nhiều nước đã gặp phải, thậm chí có nước ban đầu rất mở, rất khuyến khích, giờ phải thu lại. Vì thế, sửa đổi Luật đất đai lần này không bàn đến tương lai rộng hơn.
Theo ông, việc sửa đổi Luật đất đai nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều thống nhất phải sửa bộ luật này để phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Đất đai là tài nguyên đặc biệt, phải nhìn nhận ở góc độ tài nguyên chứ không chỉ là bất động sản.
Ngoài ra, trước nhiều góp ý liên quan đến cấp sổ cho condotel, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh, condotel không làm ảnh hưởng gì đến sửa Luật đất đai lần này. Nhà nước đã quy định, đất thương mại dịch vụ 50 năm và được cấp sổ theo thời gian đó. “Địa phương nào muốn tận thu đưa đất thương mại dịch vụ sang đất ở cần phải xem xét lại. Chúng ta không nên đưa cái sai để hợp thức hoá cái sai”, Bộ trưởng Hà nói.
Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng, hiện nay có nhiều dự án là các toà nhà hỗn hợp mà chủ đầu tư được phép bán. Đất xây dựng do nhà nước giao có thời hạn. Theo quy định của Luật đất đai, hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà ở của toà nhà hỗn hợp được sử dụng đất ổn định lâu dài. Thế nhưng, cá nhân sở hữu phần kinh doanh trong toà nhà lại không được sử dụng đất ổn định lâu dài.
"Đây là nội dung còn nhiều bất cập cần được khắc phục tại dự thảo này. Tôi cho rằng cần công nhận cho cá nhân sở hữu phần diện tích thương mại tại toà nhà hỗn hợp được sử dụng đất ổn định lâu dài nếu chủ đầu tư được phép bán", ông Hiệp nói.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội - nhấn mạnh việc Luật đất đai phải giải quyết hài hòa nhiều mâu thuẫn trong xã hội nên rất khó.
Đối với chủ trương bỏ khung giá đất và giao địa phương xây dựng bảng giá đất theo thị trường, ông Tuyến nhận định nếu không kiểm soát tốt thì sẽ mỗi nơi làm một kiểu.
Bày tỏ băn khoăn về chủ trương giao UBND cấp tỉnh quyết định giá đất, ông Tuyến nói chúng ta đã giao cho UBND cấp tỉnh rất nhiều quyền như cấp quyền sử dụng đất, quyền giao đất, thu hồi đất… nếu giao thêm quyền định giá đất (lập bảng giá đất hằng năm) sẽ không khách quan. Nên có một cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh, độc lập với UBND cấp tỉnh.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
Các tin khác