Bộ Xây dựng: Nghiên cứu đánh thuế bất động sản, khuyến khích sử dụng nhà đất hiệu quả

Bộ Xây dựng: Nghiên cứu đánh thuế bất động sản, khuyến khích sử dụng nhà đất hiệu quả

Trang chủ » Tin tức » Bộ Xây dựng: Nghiên cứu đánh thuế bất động sản, khuyến khích sử dụng nhà đất hiệu quả

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với bất động sản, khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đánh thuế, giá nhà sẽ giảm

Kiến nghị được Bộ Xây dựng đưa ra tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vừa diễn ra tại TP.HCM.

Giá nhà tại Hà Nội, TP.HCM đang bỏ xa thu nhập của đa số người dân - Ảnh: L.Q.

Báo cáo với Phó thủ tướng về tình hình thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở vẫn ở mức cao hơn thu nhập người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Giao dịch bất động sản chưa minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong hoạt động mua bán bất động sản khá phổ biến.

Một tồn tại khác của thị trường bất động sản hiện nay theo Bộ Xây dựng là tình trạng nguồn cung bất động sản suy giảm, cơ cấu bất hợp lý, nguồn cung bất động sản cao cấp (chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2), trung cấp (chung cư giá trên 30 triệu đồng/m2), bất động sản du lịch đang quá dư thừa. Có loại hình đã vượt dự báo nhu cầu đến năm 2025.

Trong khi thị trường lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp, phân khúc bình dân (chung cư dưới 30 triệu đồng/m2), Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Con số nguồn cung trên thị trường trong 9 tháng năm 2022 theo Bộ Xây dựng cũng rất đáng báo động, cả nước chỉ có 63 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với quy mô khoảng 14.948 căn hộ, bằng 50,4% nguồn cung cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, số dự án nhà ở thương mại dở dang, đang triển khai lại có xu hướng tăng lên - khoảng 1.102 dự án, với 302.616 căn hộ, số lượng dự án dở dang, bằng 156,7% cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, còn có 104 dự án được chấp thuận đầu tư, bằng 51% năm 2021, 193 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, bằng 76% cùng kỳ năm 2021.

Số dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước giảm sâu, trong khi dự án dở dang tăng mạnh cũng cho thấy thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nhiều chủ đầu tư buộc phải thi công cầm chừng, tạm dừng thi công vì đói vốn.

Thực tế thị trường hiện nay cũng cho thấy trong khi phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung thì vẫn có những khu đô thị với nhiều dãy nhà phố, biệt thự có chủ nhưng bỏ hoang nhiều năm. Tình trạng đầu tư biệt thự, nhà phố, chung cư cao cấp, đất nền để găm giữ tài sản khá phổ biến.

Chuyên gia khuyến nghị chọn thời điểm phù hợp để đánh thuế nhà đất thứ 2 trở lên - Ảnh: L.Q.

Chọn thời điểm đánh thuế phù hợp

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đã nhiều lần khẳng định nếu không đánh thuế với bất động sản (nhà đất thứ 2 trở lên) thì không thể giảm được giá nhà đất hiện nay. Bởi đây là công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường, giá cả đã được nhiều nước áp dụng.

Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Chí Thanh - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng thị trường đang đi vào chu kỳ điều chỉnh. Giá nhà ở đang quá cao, vượt xa giá trị thật, để tăng tính thanh khoản trên thị trường, nhiều chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giảm giá bán hoặc tăng chiết khấu bán nhà.

Đã đến lúc người có nhu cầu mua nhà ở thực, có tiền thực quyết định giá bán trên thị trường, ông Thanh khẳng định.

Trong khi một số chuyên gia lại bày tỏ băn khoăn về việc áp thuế với bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng cần lựa chọn thời điểm cụ thể để áp thuế, tránh tác động không mong muốn lên thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc thị trường, hướng sản phẩm bất động sản tới nhu cầu thực.

Ông Châu cũng cho biết một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, cổ phiếu nằm sàn, thanh khoản sụt giảm sâu hoặc mất thanh khoản. Một số tập đoàn phải thực hiện các biện pháp "đau đớn" để tồn tại như thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, dừng, giãn, hoãn dự án, cắt giảm tới 50% nhân sự.

Theo Bảo Ngọc (tuoitre)

 

Các tin khác