Những khó khăn của thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2019 khiến các chuyên gia lo ngại này tình trạng này sẽ còn tiếp tục tái diễn trong năm 2020.
Cả năm chỉ có đúng 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư
Theo số liệu thống kê từ HoREA, thị trường bất động sản TP.HCM 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 01 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Ngoài ra, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư, chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường khó khăn dẫn đến việc chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 01 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.
HoREA cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng cung-cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Nếu không có phương án, thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, xét về bản chất thì thị trường bất động sản thành phố không xấu. Tổng nguồn cầu về nhà ở vẫn cao, thanh khoản tốt. Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 02 năm gần đây, mà nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường TP.HCM, số lượng sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh trong 07 tháng đầu năm 2019. Từ tháng 08 đến tháng 10/2019, lượng sản phẩm nhà ở tăng đột biến nhưng có tới 80% nguồn cung là đến từ một đại dự án khu đô thị ở quận 9. Mặc dù cung có cải thiện nhưng điều đáng lưu ý là rất thiếu loại nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Về cơ cấu sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường, theo Báo cáo của Sở Xây dựng thì tổng số nhà ở đủ điều kiện huy động vốn từ năm 2017 đến hết tháng 09/2019 là 90.969 căn nhà. Trong đó, phân khúc cao cấp (giá từ trên 40 triệu đồng/m2) chiếm 25,73%; phân khúc trung cấp (giá từ trên 20-40 triệu đồng/m2) chiếm 40,26%; phân khúc bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) chiếm 34,01% tổng số nhà ở.
Riêng 09 tháng đầu năm 2019, tổng số nhà ở đủ điều kiện huy động vốn là 19.662 căn nhà. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 19,92%; phân khúc trung cấp chiếm 21,75%; phân khúc bình dân chiếm 58,33% tổng số nhà ở.
Thông qua nghiên cứu bản Báo cáo 13133/SXD-PTN&TTBĐS của Sở Xây dựng, HoREA cho rằng việc phân loại nhà ở của một số dự án nhà ở có thể chưa thật phù hợp, như trường hợp 10.007 căn hộ của một dự án nhà ở cao cấp lại được thống kê vào danh mục nhà ở bình dân. Do vậy, ngoài việc sụt giảm quy mô thị trường bất động sản còn cho thấy rõ đang có sự “lệch pha” nguồn cung về phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm tỷ trọng lên đến khoảng 70-80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường trong 9 tháng vừa qua.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Các tin khác