Sau khi khảo sát thực địa dự án vành đai 3 vào sáng nay, đoàn công tác do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa là trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM và các địa phương liên quan về đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc xây dựng tuyến vành đai 3 là vấn đề cấp bách. Đồng thời, các địa phương phải hoàn thành tổng thể đồng bộ, khép kín toàn tuyến thì mới phát huy hết tác dụng của tuyến.
Theo kế hoạch, dự án vành đai 3 được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Sau khi được thông qua, tuyến sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026. Ảnh: VTV
Phân tích về việc nguồn vốn đầu tư, kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư và cơ chế phối hợp giữa các địa phương nhằm đồng bộ dự án, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết hồ sơ dự án sẽ được hoàn thành trong tuần này để gửi Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 28.5 tới.
Về nguồn vốn, ông Mãi cho rằng TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều có nghị quyết từ Hội đồng nhân dân nên đều đảm bảo vốn đầu tư của dự án.
Các địa phương đã thống nhất việc sẽ chủ động cân đối nguồn vốn bằng cách phát hành trái phiếu và TPHCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho 3 địa phương còn lại.
Trước đó, các địa phương đề nghị cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại nhằm thực hiện dự án.
Theo ông Mãi, việc giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 là vấn đề khó nhất khi triển khai dự án. Về quy mô giải tỏa, TPHCM là địa phương có số hộ dân ảnh hưởng lớn sau đó là Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Do đó, TPHCM sẽ làm việc với 3 địa phương còn lại để thống nhất phương án và thúc đẩy tiến độ, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng.
“TPHCM sẽ triển khai kế hoạch tái định cư với giá đền bù thỏa đáng nhất và bố trí khu tái định gần khu vực sinh sống trước đó để người dân phát triển sinh kế và ổn định đời sống”, Chủ tịch UBND TPHCM nói thêm.
Mặt khác, TPHCM dự kiến sẽ thành lập đơn vị chỉ huy, cố vấn nhằm giữ vai trò đầu mối trong toàn bộ quá trình triển khai từ thi công đến nghiệm thu toàn dự án.
Theo kế hoạch, dự án vành đai 3 được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Sau khi được thông qua, tuyến sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.
Dự án vành đai 3 dự kiến quy mô khoảng 76,3 km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80km/h, bề rộng là 19,75 m với tổng mức đầu tư là 75.378 tỉ đồng. Ngân sách Trung ương dự kiến bố trí gần 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đoạn qua Long An.
Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Theo Minh Hoàng (thesaigontimes)
Các tin khác