Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, việc cấm gọi điện quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS, cụ thể là đối với các đơn vị kinh doanh, các môi giới BĐS.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 đã có những quy định chặt chẽ và chế tài nặng hơn cho các hành vi gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đến số điện thoại của người dùng khi chưa được sự đồng ý.
Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện các cuộc điện thoại, nhắn tin quảng cáo khi chưa đạt được thỏa thuận với người dùng, hoặc gửi vào số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo, gọi điện gửi tin nhắn quảng cáo không đúng quy định… thì mức xử phạt có thể từ 5 – 100 triệu đồng.
Như vậy, nếu nghị định này có hiệu lực, BĐS sẽ là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Ông Kiệt cho biết, thực chất tại các nước phát triển lân cận như Đài Loan, Singapore… đã có những đạo luật quy định về việc này để đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng.
Theo ông Kiệt, việc cấm gọi điện quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh BĐS của các sàn, CĐT nhưng chắc chắn sẽ có hình thức khác thay thế, thậm chí cũng là cách để khách hàng chủ động tiếp cận thông tin
Xét ở khía cạnh người làm trong thị trường, ông Kiệt cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến các đơn vị bán hàng trên thị trường. Xu hướng tôn trọng quyền cá nhân là xu hướng cần thiết nhưng kênh gọi điện thoại là kênh bán hàng truyền thống từ trước đến nay, nếu mất đi chắc chắn sẽ gây trở ngại lớn đến thị trường BĐS nói chung, các đơn vị kinh doanh BĐS nói riêng, trong đó bao gồm cả môi giới BĐS.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, chắc chắn bị cấm kênh này thì các đơn vị kinh doanh BĐS sẽ có những phương án thay thế khai thác khác để tiếp cận khách hàng. Điều này cũng cho phép khách hàng chủ động tìm kiếm thông tin từ các đơn vị kinh doanh BĐS.
"Tôi nghĩ, thời gian sắp tới, thị trường sẽ xuất hiện nhiều kênh marketing khác từ các đơn vị kinh doanh, sàn giao dịch, và chủ đầu tư để tìm các phương án khác đa dạng trong kênh tiếp cận khách hàng mua sản phẩm", ông Kiệt khẳng định.
Một số chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ ý kiến, Nghị định 91 quy định khá chi tiết về vi phạm và chế tài xử phạt đối với hành vi gọi điện, nhắn tin quảng cáo không đúng quy định. Tuy nhiên, liệu có dễ thực hiện?, bởi, trước đây Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo vừa được ban hành và có hiệu lực từ 5/5/2017 cũng từng có nội dung quy định xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với hình thức quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Tuy nhiên, dù Nghị định đã "đi vào đời sống" được hơn 3 năm nhưng thực tế hiện nay tình trạng băng rôn quảng cáo "trèo cây xanh, đu cột điện" vẫn diễn ra nhan nhản.
Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020) sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác như trên. Cụ thể, lần đầu tiên quy định về xử phạt đối với các vi phạm sau đây: Thứ nhất, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Thứ hai, thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo; không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Thứ ba, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Thứ tư, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. |
Theo Hạ Vy (CafeF)
Các tin khác