Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung về nhà ở xã hội (NƠXH) và tiến độ cải tạo nhà chung cư cũ là những vấn đề trọng tâm của ngành trong năm 2018 nằm trong mục tiêu cải thiện chỗ ở cho người nghèo khu vực đô thị. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu được đưa ra.
Những căn hộ giá rẻ, khang trang luôn là ước mơ của người lao động nghèo
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
°Phóng viên: Câu chuyện phát triển NƠXH dành cho người nghèo, người thu nhập thấp đã được quan tâm trong những năm gần đây, thế nhưng, nguồn cung của phân khúc này chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Ông nhận định ra sao về thực trạng này?
°Ông TRẦN NGỌC HÙNG: Năm 2017, lĩnh vực phát triển nhà ở đã đạt được những kết quả khá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, bình quân GDP đầu người còn thấp, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là NƠXH còn rất lớn. Sở dĩ phân khúc nhà ở này cầu nhiều hơn cung là do chúng ta chưa có một cơ chế chính sách, giải pháp ổn định lâu dài và lộ trình thực hiện cho việc phát triển NƠXH.
°Ý ông là những chính sách đã và đang thực thi chưa đủ và chúng ta cần có một giải pháp tạo ra bước đột phá trong phát triển NƠXH?
°Tôi cho rằng, Bộ Xây dựng cần sớm nghiên cứu, thực hiện việc phát triển NƠXH theo hướng chuyển hoàn toàn sang cơ chế thị trường nhà ở thương mại giá rẻ. Nhà nước chỉ điều tiết thông qua việc bắt buộc dành tỷ lệ phần trăm số lượng căn hộ giá rẻ, diện tích nhỏ (25 – 40m2) trong dự án. Đồng thời, Nhà nước không miễn giảm bất cứ kinh phí nào cho chủ đầu tư, ví dụ như: tiền sử dụng đất, miễn thuế, vay lãi suất thấp… để thị trường cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, Nhà nước cần xóa bỏ hẳn cơ chế 2 giá (giá thương mại và giá nhà ở được phê duyệt theo cơ chế xin – cho, dễ phát sinh tiêu cực), xóa bỏ cơ chế giao chủ đầu tư phê duyệt bán khiến các đối tượng phải xin nhiều thủ tục phiền hà, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần thành lập quỹ NƠXH và dành quỹ này cho vay hoặc bù lãi suất vào thời gian dài (10-20 năm) và hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng NƠXH. Đây là phương thức mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công trong thời gian qua.
°Trong nỗ lực giải quyết khó khăn về nhà ở cho người nghèo đô thị, có một vấn đề đang rất nan giải; đó là cải tạo các chung cư cũ nát, mất an toàn tại các thành phố lớn. Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ cải tạo nhà chung cư cũ đã được mổ xẻ nhiều. Theo ông, đâu là mấu chốt của vấn đề?
°Đại đa số cư dân sống ở chung cư cũ là các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, chiến sĩ thi đua, cán bộ, công nhân viên chức lâu năm có nhiều thành tích đóng góp cho đất nước. Hiện họ không có điều kiện kinh tế để chuyển đổi chỗ ở mới và họ chính là đối tượng NƠXH đặc biệt cần được quan tâm. Đáng tiếc là tiến độ cải tạo xây dựng mới chung cư cũ hết sức chậm chạp, mới đạt chưa tới 2%, chủ yếu mới làm được một ít nhà ở mặt tiền, vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố khi chủ đầu tư được phép tăng diện tích, tăng chiều cao để có số lượng dôi dư bán tự do giá cao. Tất nhiên, vấn đề ở đây là nhà đầu tư không được lợi thì họ không làm. Song với người dân thì họ cảm thấy không công bằng trong việc phân định quyền lợi với chủ đầu tư nên phát sinh mâu thuẫn.
°Vậy theo ông, giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
°Tôi cho rằng, giải quyết những vướng mắc trong cải tạo nhà chung cư cũ thì Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo. Trước hết, Nhà nước phải lập dự án đồng bộ cải tạo toàn khu vực theo hướng xây dựng tiểu khu đô thị đa năng, dành khoản kinh phí thỏa đáng từ ngân sách cho đầu tư, cải tạo, phá dỡ xây dựng mới nhà chung cư cũ. Ví dụ, Nhà nước có thể ưu tiên dành quỹ đất lân cận các khu nhà chung cư cũ gồm các khu đất vàng của các cơ quan, nhà máy có chủ trương di dời khỏi trung tâm để xây dựng trước các khu nhà chung cư mới, phục vụ cho việc có ngay nhà ở tái định cư một lần, không phải tạm cư cho cư dân. Sau đó sẽ phá dỡ toàn bộ khu chung cư cũ, xây dựng tiểu khu đô thị đa năng mới theo quy hoạch bằng hình thức cuốn chiếu. Số căn hộ dôi dư chỉ bán cho đối tượng đang ở nhà chung cư phải phá dỡ quá chật chội và các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Có như vậy, việc xử lý nhà chung cư cũ mới thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay.
°Xin cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN (thực hiện)
Các tin khác