Không còn nhận định trên xu hướng hay tỷ lệ cung cầu, con số cụ thể về phân khúc căn hộ bình dân đã được Sở Xây dựng cập nhật trong báo cáo về tình hình kinh doanh bất động sản 2020. Theo đó, căn hộ bình dân giá dưới 20 triệu một mét vuông từ 12.366 căn năm 2019 giảm còn 163 căn tương ứng tỷ lệ 1,2% năm 2020.
Báo cáo hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, năm qua đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 28 dự án, tổng số 15.135 căn nhà. Trong đó 13.703 căn hộ với 900.416m2 sàn, 1.429 căn nhà thấp tầng với gần 500.000m2 sàn xây dựng và ba căn biệt thự với 1.589m2 sàn, tổng giá trị vốn cần huy động hơn 61.000 tỉ đồng.
Phân khúc căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm ở TPHCM. Ảnh: V.Dũng
Phân khúc căn hộ cao cấp giá trên 40 triệu một mét vuông khoảng 5.300 căn, tỷ lệ 35%; phân khúc trung cấp giá 20-40 triệu mỗi mét vuông hơn 9.600 căn, tỷ lệ 63,5%. Nhà ở phân khúc bình dân chỉ còn 163 căn, tỷ lệ 1,2%. Như vậy, nhà phân khúc bình dân giảm tới 98,6% so với tỷ lệ 53,7% năm 2019 (12.366 căn hộ). Lượng căn hộ huy động vốn tập trung nhiều nhất ở quận 9 với tám dự án, quận 2 có bảy dự án, quận 7 có bốn dự án, còn lại nằm rải rác ở các quận huyện...
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, so với năm 2019, số dự án căn hộ giảm 14, tỷ lệ 33%, số căn nhà ở cũng giảm theo, tỷ lệ 34,3%. Phân khúc căn hộ trung cấp tăng mạnh đến 84,6%, phân khúc cao cấp giảm 2,1%. Tình hình số lượng nhà ở bổ sung cho thị trường năm qua giảm mạnh theo nhận định của Sở Xây dựng, có thể do nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng cũng như thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Thực trạng nhà ở phân khúc bình dân đã được TBKTSG Online đề cập nhiều lần trong thời gian qua. Theo ghi nhận từ các chủ đầu tư, năm 2020, thị trường bất động sản dù đối diện với khủng hoảng mang tính chu kỳ lẫn dịch bệnh nhưng vẫn thoát ra nhanh hơn giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước. Tuy nhiên, khi thị trường cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi thì một mặt bằng giá mới cũng được thiết lập khiến nhà giá rẻ biến mất.
Bộ Xây dựng nhìn nhận giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân đô thị. Bộ này nhấn mạnh cơ cấu sản phẩm bất động sản đang chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Nguồn: Sở Xây dựng TPHCM
Lý giải vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Hiện tại vấn đề đặt ra là định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường.
Trong khi đó, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Từ 10 năm trước, một số doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM như Khang Gia, Nam Long, Đất Lành, Lê Thành... đã tham gia đầu tư vào nhà giá thấp. Tuy nhiên, hiện không còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sứ mệnh “an cư cho người thu nhập thấp” này. Hầu hết doanh nghiệp từng làm các dự án nhà giá rẻ cho rằng vấn đề hiện tại việc thu xếp vốn triển khai dự án mới rất khó khăn, lợi nhuận thấp trong khi đó thủ tục nhiêu khê nên không mặn mà.
Theo V.Dũng (Thesaigontime)
Các tin khác