Khoảng 2 năm nay, Tp.HCM không còn căn hộ giá rẻ phục vụ nhóm đối tượng khách hàng trẻ, có nhu cầu mua nhà ở đô thị. Các dự án chung cư chào bán phổ biến trên thị trường hiện nay thấp nhất cũng ở ngưỡng trên dưới 30 triệu đồng mỗi m2.
Đó là thực trạng đang diễn ra trên thị trường BĐS Tp.HCM. Thực tế, năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng/căn.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế Tp.HCM cho biết, hiện nay, người Việt khó mua được BĐS bằng tiền tích lũy vì giá đất tăng quá nhanh. Trong ba năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong năm 2019 người có thu nhập từ việc làm công ăn lương với tuổi đời còn trẻ càng không thể dễ dàng tiếp cận các căn hộ bình dân.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam từng chỉ ra, nếu lấy mức thu nhập của người trẻ khoảng 20 triệu đồng một tháng làm mốc thì giá nhà đất đã tăng gấp 4-5 lần thu nhập hàng năm. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương ở mức khá cũng chỉ có thể mua nhà một tỷ đồng. Song bất cập lớn nhất hiện nay là Tp.HCM không còn căn hộ giá 1 tỉ để phục vụ nhu cầu nhóm đối tượng này. Các dự án chung cư chào bán phổ biến trên thị trường trong vài quý gần đây thấp nhất cũng ở ngưỡng trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Ông Lâm cho biết, năm 2016 nguồn cung căn hộ hạng C (chung cư bình dân, giá rẻ) chiếm 30% thì đến năm 2018 còn 17-19%. Đến năm 2019 dường như dòng sản phẩm này cạn kiệt, và câu chuyện về nhà giá bình dân càng “đi vào dĩ vãng” trong năm 2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) khuyên các doanh nghiệp BĐS tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở “vừa túi tiền”, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
HoREA đánh giá nhu cầu nhà ở, nhất là căn hộ nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động tại Tp.HCM là rất lớn. Đây đều là những người có thu nhập trung bình, thấp đô thị, công nhân lao động.
Cụ thể, có đến 34,3% dân số chưa có vợ, chồng, 6,4% hoặc đã ly hôn, hoặc ly thân, hoặc góa vợ (chồng) đang có nhu cầu căn hộ nhỏ. Có đến 50.000 cặp kết hôn mới hàng năm muốn tạo lập nhà ở, nhất là căn hộ nhỏ với giá tiền vừa phải.
Ngoài ra, phần lớn trong số hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang thành phố, đặc biệt là ngành y tế, giáo dục, công nhân, có nhu cầu tạo lập nhà ở, nhất là căn hộ nhỏ hoặc nhà ở xã hội.
Chưa kể, lao động nhập cư vào Tp.HCM cần nơi an cư. Trong khoảng gần 3 triệu người nhập cư, phần lớn là công nhân lao động, nhiều người có nhu cầu căn hộ nhỏ, hoặc nhà ở xã hội. Trong số hơn 400.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp của thành phố, có đến 63% là người nhập cư. Phần lớn họ đang ở trong các khu nhà trọ lụp xụp, thiếu tiện ích, dịch vụ, chưa đảm bảo an toàn, an ninh, nhiều người có nhu cầu tạo lập nhà ở, nhất là căn hộ nhỏ hoặc nhà ở xã hội.
Thực tế, nếu 3-4 năm trước gọi căn hộ có giá dưới 1 tỉ đồng là bình dân thì thời điểm khoảng 2 năm nay, những căn hộ có giá trên dưới 1.5 tỉ đồng/căn cũng “vắng bóng” hẳn tại thị trường BĐS Tp.HCM. Nhà “vừa túi tiền” đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng hiện nay theo các chuyên gia có thể rơi vào ngưỡng giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn.
Câu chuyện làm nhà “giá vừa túi tiền” thực tế đã được đem ra bàn rất nhiều lần nhưng dường như các doanh nghiệp BĐS không mấy “mặn mà”.
Đã từng có một số “ông lớn” BĐS tuyên bố, sẽ không làm nhà giá rẻ và nhường cơ hội này cho các doanh nghiệp khác trên thị trường bởi thủ tục đầu tư vào loại hình này khá nhiêu khê, phức tạp.
Thực tế, tại Tp.HCM đã có một số doanh nghiệp theo đuổi phân khúc này như Lê Thành, Hoàng Quân…nhưng cũng chính các doanh nghiệp này nhiều lần “than khổ” bởi qua nhiều “cửa ải” khiến dự án kéo dài, cơ hội kinh doanh mất đi. Trong đó, 2 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt đó là giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành từng than rằng, để thực hiện được một dự án nhà ở giá rẻ có khi cũng mất đến hơn 5 năm, 7 năm khiến nhiều khi doanh nghiệp chán nản, cơ hội kinh doanh không còn.
Vì thế, theo các chuyên gia, để doanh nghiệp BĐS có thể “mặn mà” với nhà vừa túi tiền thì cần một cơ chế linh hoạt, khuyến khích cho doanh nghiệp. Có như thế, nút thắt về nguồn cung sản phẩm cho đại đa số người dân mới có thể thành hiện thực.
Theo Hạ Vy (CafeF)
Các tin khác