Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục cho đấu giá ba lô đất R1, R2, R3 cùng với 14 block chung cư với 2.220 căn hộ đã xây dựng xong. Lần này, TPHCM chỉ cho phép các doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện được tham gia đấu giá.
Theo phương án mới được chính quyền TPHCM chấp thuận về việc bán đấu giá ba lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4 héc ta phường Bình Khánh, quận 2, chỉ những doanh nghiệp bất động sản nào đủ điều kiện mới được tham gia.
Các căn hộ TPHCM sẽ bán đấu giá trong thời gian tới ở phường Bình Khánh, quận 2- Ảnh: Thành Hoa
Theo đó, doanh nghiệp tham dự cuộc đấu giá phải nộp tiền đặt trước 20% giá khởi điểm mà chính quyền TPHCM đưa ra và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Phương thức đấu giá sẽ được thực hiện theo hướng trả giá lên, bắt đầu từ mức khởi điểm được đưa ra. Việc đấu giá sẽ thực hiện trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Và Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, được giao là đơn vị tổ chức thực hiện cuộc đấu giá.
Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM đang xây dựng kế hoạch đấu giá, như về thời gian tổ chức thực hiện đấu giá, giá khởi điểm, phương thức nộp tiền trúng đấu giá…
Như vậy, khác với các lần trước, ở lần đấu giá này, TPHCM chỉ cho phép các doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện tham gia. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, việc tham gia đấu giá không dành cho cá nhân mua nhà để ở mà dành cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hơn nữa, tài sản đưa ra đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ba lô đất có giá trị lớn (diện tích 45.971,4 m2; có 14 block với 2.220 căn hộ). Do vậy, đối tượng tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Khi tham gia cuộc đấu giá, các doanh nghiệp bất động sản phải đáp ứng đủ các điều kiện như có chức năng kinh doanh bất động sản; sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất; cam kết thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo phương thức thanh toán tiền trúng đấu giá được quy định trong hợp đồng…
Nhận định về khả năng thành công của đợt đấu giá lần này, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đang “hụt hơi” do tác động của dịch Covid-19, việc đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm vào thời điểm này khó thu hút doanh nghiệp tham gia. Một yếu tố quan trọng nữa là nếu TPHCM vẫn giữ nguyên mức giá khởi điểm như các lần đấu giá trước thì rất khó thành công.
Vị giám đốc này cho rằng, vấn đề doanh nghiệp e ngại nhất là dự án đã xây dựng xong nhiều năm mà không có người ở, khó tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Nếu mua được, doanh nghiệp phải mất thêm tiền để sửa chữa hoặc phải đập bỏ xây dựng mới. Với phương án sửa chữa, doanh nghiệp không biết được chất lượng xây dựng trước đây như thế nào, nếu sửa xong đưa dân vào ở có vấn đề xảy ra thì doanh nghiệp mất uy tín. Còn phương án xây mới thì rất tốn kém.
“Việc đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm không chỉ đơn thuần là bài toán tài chính mà còn liên quan đến chất lượng xây dựng công trình. Nếu TPHCM chỉ cho đấu giá đất, và để cho doanh nghiệp tự xây dựng dự án thì sẽ khả thi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại đã có nhà chung cư xây xong mà đã xuống cấp nên bài toán kinh doanh rất khó giải”, vị này nhận định.
Trước đó, vào năm 2017, TPHCM đã tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm với mức giá khởi điểm là 8.800 tỉ đồng; năm 2018 đấu giá lần thứ 2 với mức giá khởi điểm là 9.100 tỉ đồng; lần thứ 3 vào năm 2019 với mức giá khởi điểm là 9.936 tỉ đồng.
Qua ba lần đấu giá, không có doanh nghiệp nào tham gia vì tổng giá trị của các lô đất và công trình trên đất giá trị rất lớn. Nếu trúng đấu giá doanh nghiệp phải nộp số tiền này trong thời gian ngắn (từ 1-3 tháng) nên việc đấu giá ba lần không thành công. Do vậy, đợt đấu giá lần này, TPHCM sẽ chỉ đấu giá ba lô đất R1, R2, R3 cùng với 2.220 căn hộ.
Theo Lê Anh (thesaigontimes)
Các tin khác