Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu ăn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”
Theo đó, Chính phủ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu sửa đổi...
Về vấn đề dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng sẽ được sửa đổi theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất; bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân.
Đề án cũng cho biết, trước mắt, vốn cho nhà ở xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Chính phủ cũng sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn theo hướng phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng. Doanh nghiệp được hạch toán các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội vào giá thành.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sửa đổi quy định "các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng" theo hướng không bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ nhà ở để cho thuê. Phương án kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) do chủ đầu tư quyết định.
Những đối tượng được mua nhà ở xã hội?
Theo đề án, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội gồm: công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê. Ngoài ra, Chính phủ bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê.
Với các loại dự án nhà ở xã hội, bao gồm khu nhà ở xã hội và khu đô thị nhà ở xã hội: Bổ sung quy định hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang.
Bộ Xây dựng cho biết, đã có 60/63 địa phương gửi báo cáo liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở. Cụ thể, tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2,4 triệu căn; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,24 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1,16 triệu căn.
Theo Bộ Xây dựng, dù đã có nhiều chính sách tháo gỡ, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc như quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; xác định giá nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư; đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội...
Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo đó, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt thấp, khoảng 3.163 tỷ đồng trên tổng số 9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu)...
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Theo Minh Tâm (CafeF)
Các tin khác