Gói tín dụng có lãi suất ưu đãi 4,8%/năm theo Quyết định 370 của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức được triển khai từ năm nay.
Trao đổi với báo chí chiều 11/4, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội sẽ kéo dài và trong năm 2018, gói tín dụng này có giá trị 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ bố trí 500 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thu xếp 500 tỷ đồng còn lại.
“Theo kế hoạch đã được duyệt, từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.163 tỷ đồng và Ngân hàng sẽ phải huy động thêm tương ứng. Như vậy, tới năm 2020, Ngân hàng sẽ có gần 2.300 tỷ đồng cho vay theo chương trình”, ông Lý cho biết.
Cũng theo ông Lý, trong nguồn vốn 1.000 tỷ đồng triển khai trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phân bổ cho Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng, Bắc Giang 29 tỷ đồng, Lai Châu 19 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng, Nghệ An 10 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Văn Lý trao đổi với phóng viên chiều 11/4
Trước đó, ngày 03/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, lãi suất ưu đãi sẽ là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Đối tượng được vay vốn bao gồm người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
“Chúng tôi nhận hồ sơ trực tiếp ngay từ thời điểm hiện tại và ai cũng bình đẳng như nhau”, ông Lý nhấn mạnh.
Liên quan đến hạn mức cho vay, ông Lý cho biết, trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn.
Điểm đáng chú ý của chương trình này đó là tài khoản tiền gửi của người vay vốn. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay mở tài khoản tiền gửi cho người vay vốn để phục vụ cho việc gửi tiền tiết kiệm và trả lãi theo quy định trong thời gian gửi tiền tiết kiệm cũng như tạo nguồn trả nợ, trả lãi trong thời gian thu nợ. Nếu người vay vốn chuyển tiền trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được miễn phí.
Tài khoản tiền gửi chỉ được sử dụng để theo dõi số tiền nộp vào tài khoản; nhập lãi tiền gửi theo định kỳ; trích thu nợ gốc, thu lãi theo thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng tín dụng giữa người vay vốn và Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua hoạt động này, Ngân hàng nhận trách nhiệm tuyên truyền thông tin chính sách của Đảng và Chính phủ. Trong 16 năm được thành lập và hoạt động, Ngân hàng chủ yếu triển khai các hoạt động tài chính vi mô hay cho vay sinh viên… rất phức tạp, vất vả nhưng đều đã vượt qua và làm tốt. Với hương trình này, Ngân hàng đã tập huấn xong cho cán bộ nhân viên từ những năm trước, bây giờ có vốn là triển khai cho vay luôn”, ông Lý nói.
Các tin khác