Mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) có văn bản đề nghị Chính phủ, ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét ban hành chính sách “Tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, hiện giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp có nhu cầu tạo lập căn hộ nhỏ để sống tự lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm, đa phần giới trẻ có thu nhập tăng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro.
Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà. Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ căn hộ nhỏ ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm. Do vậy, HoREA vừa có văn bản đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà.
Theo HoREA, trong giai đoạn 2017-2019, dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước.
Tuy nhiên, sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường BĐS gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Theo Luật Nhà ở, hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Nếu ngân sách cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội. Như vậy, hiện nay, khi Chính phủ đã bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội thì có đến khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng nữa được huy động để cho vay. Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường BĐS phân khúc nhà ở xã hội, vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay, trong khi nhu cầu là rất lớn.
Không ít ý kiến cho rằng, 3.000 tỷ đồng tín dụng cho nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước chỉ là “muối bỏ biển”. Chính phủ cần tổ chức hội nghị phát triển nhà ở đảm bảo an sinh xã hội, sau khi dịch Covid-19 qua đi, để tạo cú hích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…
Theo Hạ Vy (CafeF)
Các tin khác