Chương trình phát triển nhà ở xã hội: Tiền có mà khó cho vay

Chương trình phát triển nhà ở xã hội: Tiền có mà khó cho vay

Trang chủ » Tin tức » Chương trình phát triển nhà ở xã hội: Tiền có mà khó cho vay

Tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" diễn ra ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù được triển khai từ 01/04/2023 nhưng đến nay, chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng...

Lý giải về điều này, đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích, hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội còn bất cập...

Toàn cảnh hội nghị

NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU LÀ THIẾU NGUỒN CUNG

"Bên cạnh đó, quy định tiêu chí được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Đây cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Cũng bàn về kết quả cho vay nhà ở xã hội, đại diện Ngân hàng chính sách xã hội chia sẻ: Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giao Ngân hàng chính sách xã hội huy động 15.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Đến 17/5/2023, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP đạt 5.144 tỷ đồng, giúp hơn 14,5 ngàn người thu nhập thấp, công nhân cùng gia đình có nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng chính sách đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.

Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng mới nhà để ở, đối tượng thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân…).

Thứ ba, một số dự án nhà ở xã hội chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn Ngân hàng thương mại để thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân…

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC VỀ PHÁP LÝ, ĐẨY MẠNH CHO VAY

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng như góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; chủ động báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, triển khai thực hiện cho vay.

Với giải pháp này, Ngân hàng chính sách xã hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung; hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua. Trên cơ sở đó, Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 với số vốn là gần 11 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; Sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.

Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý các ngân hàng thương mại cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng của ngân hàng.

Ngày 11/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, một trong các nhiệm vụ được giao cho Ngân hàng Nhà nước là chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước  trên thị trường.

Theo Phan Nam (VnEconomy)

Các tin khác