Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, mục tiêu này đang gặp phải nhiều thử thách làm chậm trễ tiến trình, và cần sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp để cùng thúc đẩy.
Đây là nội dung được ghi nhận tại hội nghị “Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản” do Reatimes và VIRES tổ chức vào ngày 7-10 tại Hà Nội.
Tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho bất động sản được tổ chức vào ngày 7-10. Ảnh: Vân Ly
Chuyển đổi số đối mặt nhiều thách thức
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ đầy đủ. Do đó việc xây dựng một công trình, nhà ở, dự án, việc chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, ứng dụng vật liệu xanh chứ chưa ứng dụng được những công nghệ cao hơn trong quá trình đầu tư, phát triển, vận hành.
Bổ sung ý kiến của ông Hà, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, đầu tư vào công nghệ trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn rất yếu, thua xa so với thế giới.
Trong khi đó, ông Hà nhấn mạnh: “Riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu và mang tính sống còn. Cả thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, không có lý do gì Việt Nam không theo xu hướng này.”
Đưa ra những lý do để cho thấy vì sao việc chuyển đổi số trong bất động sản chưa mạnh, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nói: “Bất động sản là tài sản lớn, người mua đến tận nơi tìm hiểu còn khó đưa ra quyết định, huống chi là chỉ xem thông tin trên mạng internet”.
Do đó, ông Doanh cho rằng các doanh nghiệp bất động sản phải tạo được niềm tin cho khách hàng. Đồng thời, phải có giải pháp để góp phần thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của các ứng dụng công nghệ…
Góp tiếng nói của một doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ, Trưởng ban Chuyển đổi số, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho hay, công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp này thực sự rất vất vả.
Đất Xanh Miền Bắc bắt đầu công tác chuyển đổi số từ năm 2017, nhưng đến giờ doanh nghiệp này mới đi được khoảng 1/3 quãng đường về chuyển đổi số. Ông Chính cho hay, tổng hợp lại thì việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp này chậm có nhiều nguyên nhân.
Về nguyên nhân khách quan, do đặc thù của ngành môi giới, khách hàng không thích thanh toán qua ngân hàng, phần lớn đều thanh toán tiền mặt. Thứ hai, giá trị giao dịch khá lớn, phí thanh toán trực tuyến rất cao, Đất Xanh Miền Bắc đã làm việc với một vài đối tác thanh toán thì phí giao dịch thấp nhất là 0,6% trên mỗi giao dịch.
Năm 2018, khi có phong trào sử dụng công nghệ Blockchain, ông Chính cho biết Đất Xanh Miền Bắc cũng có làm việc với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để sử dung công nghệ này nhưng sau một thời gian đưa vào thử nghiệm thì tồn tại rất nhiều bất cập. Thêm nữa, chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sổ đỏ, sổ hồng cấp cho chủ sở hữu mới có đủ cơ sở triển khai giải pháp quản lý tài sản, số hóa trong công tác quản lý tài sản, doanh nghiệp không thể làm được điều này.
Theo vị đại diện Đất Xanh Miền Bắc, nguyên nhân chủ quan của việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp này chưa mạnh do môi giới bất động sản gần đây có sự dịch chuyển rất nhiều, đặc biệt trong thời gian Covid-19, ngành bất động sản đón nhận nhiều nhân sự từ ngành khác sang làm môi giới. Hầu hết trong số họ sau 1-2 tháng thử việc không được, chán nản thì nghỉ việc.
“Từ năm 2017, Đất Xanh Miền Bắc đã bắt đầu đưa công nghệ vào để quản lý giao dịch và khách hàng – đào tạo cho nhân viên thực hiện quy trình giao dịch trên phần mềm. Nhưng đào tạo chưa xong thì nhân viên đã nghỉ. Những người mới vào lại tiếp tục đào tạo lại từ đầu. Có nhân viên trong khoảng 1-2 tháng mới bán được một căn nhà và khi đó mới sử dụng thao tác trên phần mềm. Lúc mới đào tạo xong có thể thao tác thành thạo nhưng tới lúc thực hành sử dụng thì quên hết,” ông Chính kể.
Còn ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết, với doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số rất khó bởi không tìm được người làm về công nghệ cho bất động sản. Đó là những người chỉ đạo đường hướng thực hiện về công nghệ nhưng có tư duy của bất động sản.
“Các doanh nghiệp hiện nay thường thành lập bộ phận công nghệ riêng để phát triển phần mềm. Tuy nhiên, bộ phận công nghệ tại doanh nghiệp lại khá yếu và thực sự không có nhiều nhân lực. Nên tốt nhất là doanh nghiệp ký kết với một đơn vị bên ngoài để có hệ thống chuyên nghiệp về công nghệ,” ông Chung nói.
Cần sự thúc đẩy từ chính quyền và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách. Cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác chính là kinh phí. Nếu phải bỏ quá nhiều tiền nhưng rủi ro trên 50% thì rất ít doanh nghiệp dám tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự cân đối một cách chi tiết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Công Chính cho ràng chuyển đổi số nên bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo. Chuyển đổi số chỉ thành công khi có định hướng rõ ràng theo từng chiến lược phát triển và ứng dụng của doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề. “Chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng. Tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số,” ông Chính nói.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng điều kiện cần để chuyển đổi số thành công cần phải có tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đứng đầu. Thứ hai là phải gắn chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp. Thứ ba là phải bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất và làm theo một cách tốt nhất. Thứ 4 là có thể hợp tác với doanh nghiệp chuyên cung cấp công nghệ cho bất động sản.
Còn ông Nguyễn Văn Đính thì cho biết Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề để thúc đẩy chuyển đổi số bất động sản. Thứ nhất là kiến nghị với Bộ Xây dựng về mã hóa bất động sản – để theo dõi biến động trên thị trường như thế nào. Thứ hai là trong phạm vi ngành nghề, cần mã số đến các sàn giao dịch và từng nhà môi giới – giúp việc quản lý của Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn và qua đó, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cũng thuận lợi hơn…
Theo Vân Ly (thesaigontimes)
Các tin khác