Cơ hội cho nhà ở xã hội được 'nhen nhóm' trở lại

Cơ hội cho nhà ở xã hội được 'nhen nhóm' trở lại

Trang chủ » Tin tức » Cơ hội cho nhà ở xã hội được 'nhen nhóm' trở lại

Nghị định 49 mới được Chính phủ ban hành theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Với các quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được hỗ trợ đấu nối hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp tín dụng cho người mua đang mở ra cơ hội tiếp cận cho các bên tham gia.

Doanh nghiệp có thêm động lực để tham gia

Nghị định số 49 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại điều 9 Nghị định 100 theo hướng cho phép khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất. Nếu cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Nhà ở.

Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH.

UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước. Trong đó bao gồm cả chi phí bồi thường, GPMB (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng NƠXH hoặc chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20%.

Chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NƠXH và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành NƠXH sau khi đầu tư;

Chủ đầu tư dự án được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH theo quy định tại Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư xây dựng NƠXH chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Bổ sung ưu đãi vay vốn cho người mua

Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 16, điều 17 Nghị định 100 theo hướng bổ sung quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở tối đa không quá 500 triệu đồng và bổ sung quy định Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay NƠXH.

Sửa đổi, bổ sung các nội dung về điều kiện được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua, thuê mua NƠXH: Có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê mua NƠXH, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống;

Có hợp đồng mua, thuê mua NƠXH với chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này và của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp mua, thuê mua NƠXH thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà; Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ; Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Chính sách tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH cũng theo hướng tạo điều kiện hơn. Theo đó, căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển NƠXH trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng NƠXH. Các khoản vay ưu đãi với lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ; Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay NƠXH theo nghị định này.

Như vậy, với những điểm mới về phương thức, cơ chế chính sách, Nghị định 49 được kỳ vọng tạo nguồn vốn ưu đãi cho nhà đầu tư, đẩy nhanh thủ tục giải ngân cho vay nhà ở xã hội, cũng là thúc đẩy nguồn cung NƠXH. Qua đó, nghị định góp phần giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa

Trong báo cáo thị trường Bất động sản - Nhà ở TPHCM & vùng phụ cận quí 1-2021 được DKRA thực hiện, dự báo trong quí 2/2021, đất nền vẫn là kênh chọn lựa hàng đầu.

Theo đó, nghiên cứu thị trường chỉ ra nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quí trước và tập trung chủ yếu ở các các tỉnh giáp ranh TPHCM. Sau những sôi động ồn ào ở quí 1, thị trường thứ cấp quí 2-2021 có thể sẽ không có nhiều biến động bao gồm cả về mặt bằng giá.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng mạnh. Sức cầu tại TPHCM có thể sẽ tăng trong khi tại Bình Dương đang có dấu hiệu của xu hướng giảm so với cuối năm 2020.

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ tăng ở hầu hết địa phương. Sức cầu chung có tín hiệu tăng, tuy nhiên thị trường thứ cấp có thể không có nhiều biến động. Các giao dịch vẫn tập trung ở những dự án đã bàn giao, vị trí kết nối tốt, mức giá trên dưới 10 tỉ đồng/căn.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển có thể sẽ tăng. Đa số dự án tập trung ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc. Sức cầu chung có thể tăng nhẹ nhưng không đột biến trong ngắn hạn.

Cũng theo nghiên cứu của DKRA, trước đó, trong quí 1-2021, thị trường bất động sản TPHCM và vùng phụ cận có nhiều biến động trái chiều ở những phân khúc khác nhau cũng như các địa phương. Cụ thể, bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung tăng mạnh so với liền kề trước đó ở năm 2020, nhà phố biệt thự tăng nhẹ, trong khi đó các phân khúc căn hộ và đất nền đều sụt giảm mạnh về nguồn cung và lượng tiêu thụ.

Tại TPHCM, mặt bằng giá tăng cục bộ ở phân khúc đất nền theo thông tin quy hoạch và nâng cấp lên quận ở những huyện vùng ven. Ở phân khúc căn hộ, giá bán điều chỉnh tăng với việc thành lập thành phố Thủ Đức, thậm chí nhiều dự án thiết lập mặt bằng giá mới chạm ngưỡng phân khúc hạng sang.

Hoàng Bảo

Theo Dũng Trần (thesaigontimes)

Các tin khác