Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Dân nghèo thêm gánh nặng

Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Dân nghèo thêm gánh nặng

Trang chủ » Tin tức » Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Dân nghèo thêm gánh nặng

Ngưỡng nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên sẽ bị đánh thuế tài sản theo dự thảo luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố khiến hàng triệu gia đình có thu nhập thấp, người nghèo lo lắng.

 

Cư dân nhà thương mại giá rẻ lo lắng
Dự thảo luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố sẽ đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng gây hoang mang cho các cư dân khu nhà ở HH tại khu đô thị Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Chung cư này có hàng ngàn căn hộ thương mại giá rẻ, tổng giá trị căn hộ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Văn Bình, 37 tuổi, cư dân tại tòa nhà HH2a, cho biết căn hộ của gia đình anh có giá trị 1,2 tỉ đồng, theo cách tính thuế Bộ Tài chính đưa ra, mỗi năm sẽ phải đóng 1,5 triệu đồng thuế tài sản. “Số tiền không quá nhiều nhưng với người thu nhập thấp như chúng tôi, tiêu một đồng cũng phải tính toán, cũng còn phải đóng nhiều loại thuế, phí khác nữa. Mỗi năm đóng 1,5 triệu đồng tiền thuế nhà, 10 năm là 15 triệu đồng, vậy là khoản tiết kiệm phòng khi ốm đau của người nghèo chúng tôi sẽ eo hẹp đi. Nhiều cư dân khu chung cư này đang lo lắng nếu nhà nước đánh thuế sở hữu nhà”, anh Bình nói.
Anh Bình cũng chia sẻ để mua được căn hộ trên, hai vợ chồng anh phải tích cóp trong thời gian dài. Khoản tiền tích lũy này đều đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước. Khi mua căn hộ, cũng đã đóng thuế VAT và nếu bán, chắc chắn phải nộp các khoản thuế, phí chuyển nhượng, thuế thu nhập cá nhân trên tổng giá bán, phí công chứng… Chưa kể, khi hoàn thiện nội thất căn hộ, anh Bình cũng vẫn phải trả thuế VAT cho phần nguyên vật liệu mua về. “Nếu đánh thêm thuế sở hữu tài sản như Bộ Tài chính dự thảo, là chất nặng thuế lên lưng dân nghèo. Chưa kể, những hộ mua nhà trả góp, hằng tháng vẫn phải trả gốc, lãi cho ngân hàng, chưa thực sự sở hữu căn nhà nhưng đã phải nộp thuế sở hữu tài sản hằng năm”, anh Bình nói.
“Chúng tôi là người nghèo, dành dụm mãi mới có vài ba trăm triệu gọi là phần đối ứng để đủ điều kiện được ngân hàng cho vay mua nhà trả góp. Nhà mới ở được thời gian ngắn, nợ ngân hàng mỗi tháng phải trả là dăm triệu đồng, nay nếu phải cõng thêm thuế sở hữu nhà hằng năm nữa thì không khác nào làm khó người nghèo. Với những người chưa mua được nhà, việc đánh thuế sở hữu tài sản là dựng thêm hàng rào, cản trở họ tiếp cận nhà ở, đi ngược với chính sách đẩy mạnh an sinh xã hội”, chị Nguyễn Ngọc Anh, 38 tuổi, cư dân khu nhà ở thương mại giá rẻ Kim Văn Kim Lũ (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết.
Theo một số chuyên gia, nếu đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng, không chỉ người ở nhà thương mại giá rẻ mà cả người đi thuê nhà cũng bị ảnh hưởng vì các chủ nhà sẽ phải thu thêm phí để đảm bảo nguồn thu, giá thuê nhà cũng tăng theo đó.
 
Nhà, đất đang gánh nhiều thuế, phí
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang thống kê nhà đất hiện nay chịu nhiều phí, thuế. Đơn cử, thuế chuyển nhượng; tiền bản vẽ, hoàn công, thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà là 2%; thuế trước bạ 0,5%… Chính vì chịu nhiều thuế, phí, lệ phí khiến giá nhà, đất tại VN cao hơn nhiều nước trên thế giới.
“90% người làm công ăn lương khó có thể tiết kiệm từ tiền lương để mua nhà. Đó là chưa kể đến bảng giá đất các tỉnh thành ban hành hằng năm đều điều chỉnh tăng lên cũng làm cho giá đất trên thị trường tăng lên. Người Việt vất vả lắm mới mua được căn nhà. Họ phải tích cóp, vay mượn, trả nợ, rồi đối mặt với đủ thứ chi phí để lo cho gia đình, nuôi con. Nếu bổ sung thêm thuế tài sản sẽ tạo thêm gánh nặng cho người lao động khi sở hữu nhà. Chưa đánh thuế họ đã đối mặt với nghịch lý là thu nhập người dân Việt thấp nhưng nhà ở rất cao rồi. Thêm thuế thì giá nhà càng cao, dân càng khó khăn”, luật sư Trần Xoa nói.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP để khoan sức dân, tái đầu tư, nhưng hiện VN đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WB. Điều đó cho thấy, gánh nặng thuế của VN quá cao, nhất là so với mức thu nhập mới chỉ 2.200 USD/người hiện nay.
Ông Trần Xoa đặt vấn đề, trong phần 2 tài liệu giải trình căn cứ để đưa ra quy định về sự cần thiết phải xây dựng và mức thuế tài sản thì Bộ Tài chính đã sử dụng cụm từ “một số quốc gia” 2 lần, “phù hợp với thông lệ quốc tế” 15 lần, “hầu hết các nước” 4 lần và “kinh nghiệm quốc tế cho thấy” 14 lần…Tuy nhiên không thấy Bộ Tài chính nêu rõ “hầu hết các nước” có quy định về thu tiền sử dụng đất hay không? Có mức thuế trên đầu người đã cao như ở VN hay không?

Các tin khác