Để có vốn xây dưng đường vành đai 3 và 4 (TPHCM) các địa phương có liên quan cần quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền làm dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư cũng như phát hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA..., theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Ngày 14-5 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm tháo gỡ vướng mắc, tìm cơ chế để sớm khởi công dự án đường vành đai 3, vành đai 4 (TPHCM).
Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện tại Bộ GTVT đang làm báo cáo tiền khả thi. Bộ GTVT đanh tính toán chia ra làm nhiều dự án, mỗi dự án dưới 10.000 tỉ đồng để dễ thực hiện.
Về phương án đầu tư, ông Thể cho biết, dự án nằm trên địa phương nào thì địa phương đó được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ giải phóng mặt bằng, mời gọi đầu tư, triển khai thi công. Còn Bộ GTVT có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. Tùy theo tình hình nếu dự án nào khó khăn, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng đối với đường vành đai 3 năm 2025 phải xong, đường vành đai 4 các địa phương phải làm càng sớm càng tốt. Các địa phương phải tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư, phải làm ngay bây giờ thì mới kịp.
Dù Bộ GTVT muốn đưa dự án về cho các địa phương thực hiện nhưng tại cuộc họp, đại diện các tỉnh có đường vành đai 3 và 4 đi qua gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu đều kiến nghị ưu tiên đầu tư 2 dự án này bằng nguồn ngân sách trung ương.
Mới đây, UBND TPHCM đã có công văn số 1291 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời về việc không bố trí đủ số vốn 9.734 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng đường vành đai 3.
Khi thấy các địa phương đều kiến nghị bố trí vốn ngân sách trung ương, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng nếu làm theo phương thức cũ, tư duy bao cấp chờ vốn ngân sách sẽ rất khó xong đường vành đai 3, 4.
“Tại hai dự án này, các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án sẽ được đầu tư chủ yếu theo hình thức PPP. Vì vậy, cần thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa bằng hình thức PPP” Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương giải phóng mặt bằng tái định cư bằng nguồn ngân sách địa phương; trung ương có hỗ trợ nhưng không nhiều, địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực.
Để có vốn đầu tư cho dự án, Phó thủ tướng cho rằng các địa phương cần quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án. Ngoài ra cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư. Hoặc có thể phát hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA… cho địa phương vay để làm dự án.
Với các gợi ý như trên, Phó Thủ tướng đặt mục tiêu cho các địa phương làm xong đường vành đai 3 trước 2025; còn đường vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không để kéo dài đến 2030. Riêng đối với đường vành đai 2 của TPHCM phải xong trong năm 2022.
Theo Lê Anh (thesaigontimes)
Các tin khác