Để lên quận, Bình Chánh phải tháo gỡ nhiều vướng mắc

Để lên quận, Bình Chánh phải tháo gỡ nhiều vướng mắc

Trang chủ » Tin tức » Để lên quận, Bình Chánh phải tháo gỡ nhiều vướng mắc

Để lên quận, huyện Bình Chánh còn phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhất là việc chồng lấn, xem cài giữa các đồ án quy hoạch.

Ngày 21-11, UBND huyện Bình Chánh và Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040”.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện uỷ Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết huyện có những mặt thuận lợi về vị trí địa lý là cửa ngõ phía Tây Nam, là đầu mối giao thông nối liền thành phố với các tỉnh thành vùng ĐBSCL, với nhiều tuyến giao thông quan trọng, hàng loạt khu công nghiệp, khu xử lý chất thải; hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xạ tầng xã hội và nhà ở nên tiềm năng phát triển rất lớn.

Ảnh internet

Theo đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, quá trình đô thị hoá trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình 30.000 người/năm; dự báo lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn và còn diễn biến phức tạp.

Mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá củ huyện. Do đó, trong thời gian tới việc lập đề án chuyển huyện Bình Chánh thành quận giai đoạn 2021 – 2030 là một trong những chương trình đột phá đổi mới phát triển huyện Chánh đã được Đại hội thông qua.

Hàng loạt quy hoạch bị chồng chéo

Khi góp ý để tìm giải pháp khơi dậy tiềm năng phát triển đô thị cho Bình Chánh, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ rõ để đưa Bình Chánh lên quận hay thành phố thì hiện nay cơ sở hạ tầng, qui hoạch sử dụng đất vẫn còn rất nhiều vấn đề phải thực hiện.

"Chỉ mới nghe thông tin về việc huyện Bình Chánh có thể chuyển đổi thành quận thì giá đất trong dân đã tăng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, kể cả các doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần công bố công khai về lộ trình qui hoạch để người dân được biết' - ông Quân nói.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng nêu theo quy hoạch, Bình Chánh đến năm 2025 có khoảng 858.000 dân thì cần phải tính toán xem có bao nhiêu trường học, bệnh viện, bao nhiêu km đường giao thông, các công trình công cộng…

Để đạt được những mục tiêu trong quy hoạch phát triển thì các cơ quan ban ngành liên quan phải “đấu tranh” làm sao để không còn đất an ninh lương thực trên địa bàn huyện Bình Chánh. Bởi hiện nay đâu còn đất trồng lúa đâu, nhưng vẫn còn mấy trăm ha là đất nông nghiệp. Bởi nếu vẫn giữ là đất nông nghiệp thì lại quay trở về câu chuyện quy hoạch treo. Thực tế là người dân hiện đang sống trong khu vực này không được phép xây dựng gì cả.

"Hiện nay Bình Chánh có các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/2000, qui hoach phân khu, quy hoạch nông thôn, quy hoạch nông thông mới đang bị xen cài, chồng lấn với nhau.

Do đó, nếu những vấn đề này của huyện Bình Chánh không giải quyết được những vấn đề chồng lấn trong quy hoạch thì rất khó để chuyển từ huyện lên quận. Đồng thời đây cũng là vấn đề bức xúc của người dân ở khu vực này", ông Quân khẳng định.

Nội dung quy hoạch được phê duyệt đã quá thời hạn áp dụng

Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Nam cho rằng công tác phát triển đô thị theo các đồ án quy hoạch thì Đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh định hướng đến năm 2020 được nghiên cứu và phê duyệt từ năm 2012.

Do đó về nguyên tắc, hiện nay các nội dung quy hoạch được phê duyệt đã quá thời hạn áp dụng, đồng thời thực tiễn tình hình phát triển đô thị trong thời gian vừa qua cũng chưa phù hợp với định hướng quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.

Cụ thể, tình hình phát triển nhà ở trong dự án, nhà ở riêng lẻ tập trung nhiều về các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Bình Hưng, dẫn đến dân số phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.

Về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt còn chồng chéo lẫn nhau, chưa đảm bảo tính đồng bộ trong công tác quy hoạch ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, phát triển đô thị theo quy hoạch.

Trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được UBND huyện triển khai và đã được UBND Thành phố cho phép nghiên cứu với một số định hướng cụ thể như: Bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp chuyên ngành, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vận tải đa phương thức, ngành logistics, phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ phía Tây - Nam.

Bên cạnh đó, Bình Chánh cũng dự kiến chuyển đổi khoảng 5.027 ha, chiếm khoảng 52,98% diện tích chuyển đổi đất quy hoạch chức năng nông nghiệp theo quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh đã được phê duyệt trước đây trên cơ sở nghiên cứu phát triển các khu vực nông nghiệp công nghệ cao.

Việc phát triển nông nghiệp đô thị sẽ theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, có giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố.

Lãng phí tài nguyên quá lớn ở huyện Bình Chánh

Ông Nguyễn Thiện Nhân (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM):

Về mặt quy mô thì huyện Bình Chánh tương đương với Thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, trong báo cáo của huyện về tình hình kinh tế chưa đồng bộ trong số liệu. Chẳng hạn số liệu về đóng góp kinh tế của huyện Bình Chánh cho TP.HCM không có số liệu, hay số lượng người lao động của huyện chiếm bao nhiêu % trong lực lượng lao động của thành phố, năng suất lao động ra sao, bởi nếu không có con số cụ thể về năng suất lao động thì không biết huyện sẽ chọn ngành nghề gì, và vì sao lại chọn ngành nghề đó.

Trong cơ cấu kinh tế, tính đến 6 tháng đầu năm 2020, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỉ trọng là 79,9%, ngành thương mại dịch vụ chiếm tỉ trọng 17,6%, ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 2,5% cho giá trị kinh tế của huyện. Với một địa phương nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 3% thì rõ ràng nông nghiệp không phải lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện. Như vậy bản chất cơ cấu kinh tế của huyện đã dịch chuyển.

Vậy thì một trong những vấn đề mâu thuẫn lớn nhất của huyện Bình Chánh là quỹ đất nông nghiệp chiếm tới 67% nhưng đóng góp kinh tế chưa tới 3%. Đây là nguồn tài nguyên cực kỳ lớn nhưng lại vô cùng lãng phí do đem lại giá trị kinh tế ở mức quá thấp.

Theo Thùy Linh (PLO)

 

Các tin khác