Doanh nghiệp bất động sản cần sự minh bạch trong pháp lý đầu tư

Doanh nghiệp bất động sản cần sự minh bạch trong pháp lý đầu tư

Trang chủ » Tin tức » Doanh nghiệp bất động sản cần sự minh bạch trong pháp lý đầu tư

Tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã có một số phản ánh về việc thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả.

Sau một thời gian hoãn các kế hoạch thanh tra dự án xây dựng công trình, nhà ở  vì Covid-19, nhiều  cơ quan quản lý đã bắt đầu tái khời động kế hoạch thanh tra trong năm 2021. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp bất động sản cũng tìm cách phản ánh những khó khăn về sự minh bạch pháp lý đầu tư, xây dựng để trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dự án Khu đô thị Ecopark vào kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ Xây dựng. Ảnh minh họa: DNCC

Mới đây Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên – Môi trường đã lên kế hoạch thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và thủ tục liên quan đến đất đai tại các dự án trên cả nước trong năm 2021. Theo theo đó các bộ sẽ tổ chức các đoàn thành tra đi thực hiện kế hoạch.

Việc giám sát hoạt động các đoàn thanh tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ. Công tác thanh tra năm nay sẽ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, không né tránh những vấn đề phức tạp.

Nhiều dự án lớn vào tầm ngắm thanh tra

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1463 ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ Xây dựng. Theo kế hoạch, Bộ sẽ thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra.

Tại kế hoạch thanh tra hành chính, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý tài chính, phòng chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam.

Với kế hoạch thanh tra chuyên ngành, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của Tổng Công ty cảng hàng Việt Nam (ACV); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên.

Các dự án do Tập đoàn EVN và một số thành viên làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín; Đường dây 220kV Nho Quan - Thanh Nghị; Đường dây 500kV đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia.

Các dự án do ACV làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn II - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; dự án Mở rộng đỗ máy bay - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Giai đoạn 1); Cải tạo, mở rộng nhà ga hàng không, sân đỗ ô tô Cảng hàng không Chu Lai; Nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 - Cát Bi.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về Xây dựng tại các tỉnh, thành phố, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào việc thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang, Hưng Yên (giai đoạn 2) quy mô 440 ha và Khu đô thị Gia Lâm (Hà Nội) quy mô 420 ha. Ngoài ra còn có Khu đô thị Ecopark do Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark đầu tư và một số dự án khác.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng của UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ trong các lĩnh vực như quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản.

Hồi cuối tháng 10, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; việc quản lý, sử dụng đất theo Nghị định của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Đồng thời, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc sử dụng đất khi thực hiện các dự án khu đô thị, phát triển nhà ở, dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn (condotel); việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp.

Trước đó, kế hoạch thanh tra dự án trong năm 2020 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị hoãn lại bởi Covid-19. Các địa phương có dự án nằm trong danh sách thanh tra là Hưng Yên, Hậu Giang, Bình Thuận, Hà Nội và TPHCM.

Trên thực tế, tình trạng dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước gây lãng phí tài nguyên đất đai, gây nên hệ lụy từ các dự án treo.

Doanh nghiệp loay hoay với sự minh bạch của thị trường

Mới đây Tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã có một số ý kiến phản ánh về việc thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.

Đối diện với kế hoạch thanh tra, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang loay hoay với tính minh bạch của thị trường. Ảnh minh họa: V.Dũng

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại như hệ thống pháp luật liên quan còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa đồng bộ, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp tại một số địa phương, khu vực, dư thừa nguồn cung nhà ở trung, cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Tính minh bạch của thị trường từ đầu tư, tạo lập sản phẩm đến giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê vẫn còn hạn chế, tình trạng đầu cơ còn diễn ra phổ biến, giao dịch bất động sản sơ cấp vẫn khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch.

Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong năm 2020 Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, xây dựng lại nhà chung cư và dự án nhà ở thương mại.

Dưới góc độ doanh nghiệp, dưới góc độ doanh nghiệp ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư dự án nhà ở, cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án theo hướng nhanh gọn. Trong đó quan trọng nhất là tháo gỡ đất công xen cài cũng như hoàn thiện pháp lý cho các loại hình như condotel.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản đang tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục về “nhà đầu tư, chủ đầu tư”, đấu thầu dự án có sử dụng đất, báo cáo khả thi đánh giá tác động môi trường…

Qua đó, HoREA kiến nghị cơ quan quản lý, sớm ban hành “Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại” gồm 4 bước, tháo gỡ vướng mắc về “thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được khởi công xây dựng các công trình, đồng thời tiến hành thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án...

Theo Văn Dũng (thesaisontimes)

Các tin khác