Dòng đầu tư ‘ngược sóng’ vào bất động sản khu Tây TPHCM

Dòng đầu tư ‘ngược sóng’ vào bất động sản khu Tây TPHCM

Trang chủ » Tin tức » Dòng đầu tư ‘ngược sóng’ vào bất động sản khu Tây TPHCM

Thời gian qua, thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt kiến nghị về điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn TPHCM, trọng tâm là khu vực phía Đông, thu hút làn sóng đầu tư khá mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn có nhiều nhà đầu tư đi "ngược sóng", rót vốn vào khu Tây bởi đánh giá nơi đây có cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện với tốc độ nhanh và mức giá có phần dễ chịu hơn.

Xét trên tổng thể, việc ưu tiên điều chỉnh quy hoạch khu Đông TPHCM là điều hợp lý. Bởi các khu vực điều chỉnh chưa tập trung đông dân cư nên ít gây xáo trộn, và việc điều chỉnh sẽ giúp cho thành phố tăng cường khả năng quản lý quy hoạch phát triển đô thị, hấp dẫn nhà đầu tư và tăng hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khu Tây đang dậm chân tại chỗ, vẫn có đang có nhiều chuyển động về phát triển hạ tầng, từ đó tạo cơ sở để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ bất động sản liền kề.

Hạ tầng giao thông ở khu Tây TPHCM đang được hoàn thiện, tạo cơ sở cho những dự báo về việc bất động sản khu vực này sẽ có biên độ tăng giá cao trong tương lai. Ảnh: TTXVN

Hạ tầng đang được hoàn thiện

Vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc trị giá đến 10 tỉ đô la như TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) và TPHCM - Cần Thơ, các tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Ngoài các tuyến metro, TPHCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 2, giúp giao thông khu Tây kết nối với các quận nội thành và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.

Đặc biệt, sự kiện chính thức thông xe nhánh N2 nút giao thông An Sương tháng 7 vừa qua và đề xuất kéo dài đại lộ Võ Văn Kiệt nối liền Long An được nhận định là một điểm nhấn trong bức tranh hạ tầng tổng thể của khu Tây Sài Gòn, thúc đẩy thông thương và phát triển kinh tế cho khu vực đông dân nhất Sài Gòn tính đến tháng 7-2020.

Như vậy, có thể thấy khu Tây đã và sẽ sở hữu hệ thống giao thông được quy hoạch bài bản. Việc di chuyển, kết nối khu vực với trung tâm và liên tỉnh trở nên vô cùng thuận lợi cũng mang đến đòn bẩy cực lớn cho bất động sản khu này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu Tây để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nhu cầu người mua bất động sản tăng lên nhờ vào mặt bằng giá hợp lý và dành cho nhu cầu ở thực sự. Đồng thời dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng phân bổ về khu vực này qua các khu công nghiệp cũng lớn trong làn sóng dịch chuyển sản xuất vì Covid-19 mới đây.

“Khu Tây đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng trong thời gian qua và không hề thua kém gì khu Đông. Nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều bệnh viện lớn hàng đầu của TPHCM đã được xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình 10 năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận”, ông Châu nói.

Song hành cùng sự phát triển hạ tầng và tiện ích xã hội, tỷ lệ tăng dân số cơ học cùng mật độ nhập cư lưu trú tăng nhanh khiến vấn đề nhà ở càng trở nên cấp bách ở khu vực Tây TPHCM.. Nhu cầu ở thực cao đã thu hút khá nhiều “ông lớn” trong thị trường bất động sản, giúp diện mạo khu Tây từng ngày hiện đại hơn, nhưng đồng thời cũng ảnh hướng lớn đến giá nhà đất tại khu vực.

Đòn bẩy từ nhu cầu thực trong dân

Nhu cầu ở thực đang lớn nên giá đất ở các quận phía Tây  khá “mềm”. Nếu mặt bằng giá căn hộ quận 9, Thủ Đức đang ở mức 40 triệu/m2; khu trung tâm thành phố như quận 7, quận 2 khoảng 70-90 triệu/m2 thì dòng sản phẩm tương tự tại Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú… chỉ ở mức 25-35 triệu/m2.

Trong bối cảnh thị trường nhà đất thiết lập giá mới liên tục, các quận phía Tây như Bình Tân, Tân Phú và Tân Bình được nhận định giá đất vẫn đang ở mức hợp lý, và biên độ tăng giá rơi vào ngưỡng trung bình từ 20-25%/năm. Trong khi đó, về hạ tầng giao thông, xã hội cũng tương đối với  2 trục Võ Văn Kiệt – Nguyễn Văn Linh đang hiện hữu và các tuyến metro đang dần hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Theo các chuyên gia trong ngành, hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực đang phát triển mạnh, nhu cầu thực cao và giá còn “mềm” sẽ là lợi thế để bất động sản nơi đây tăng giá trị. Đây cũng chính là lý do mà thời gian qua, loạt dự án bất động sản từ nhà phố, đất nền đến căn hộ đã được các doanh nghiệp tập trung phát triển tại đây và có thanh khoản khá tốt.

Theo thống kê của DKRA Việt Nam trong quí 2 vừa qua, ở phân khúc đất nền và nhà phố nguồn cung hầu hết xuất hiện ở khu Tây và tỷ lệ tiêu thụ cũng lên đến 100%. Trong khi đó đây cũng là khu vực cung cấp nhiều nhất các dự án căn hộ hạng B phù hợp với nhu cầu sở hữu thực của người dân.

Khu Tây vẫn chiếm ưu thế về giao dịch đất nền ở TPHCM. Nguồn: DKRA

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) – một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản ở TPHCM cho biết thực tế, hiện nay thị trường khu Tây có phần kém sôi động hơn khu Đông về mặt thông tin. Tuy nhiên, diễn biến thực tế số lượng dự án BĐS tiềm năng ở khu này đang tăng dần lên theo mức độ hoàn thiện của hạ tầng. Dù không có biên độ tăng giá mạnh, nhưng mức độ thanh khoản của khu vực là rất lớn nên thời gian qua đã có một làn sóng đầu tư ngược về khu vực này, giao dịch cũng đã tăng lên.

“Nếu nhìn về khu Đông, biên độ tăng giá của bất động sản quá cao, hiện tại những sản phẩm vừa túi tiền rất hiếm nên người có nhu cầu ở thực hay nhà đầu tư nhỏ có ít sự lựa chọn. Phần lớn khách hàng chuyển sang lựa chọn khu Tây vì họ đánh giá hạ tầng hoàn chỉnh nhất hiện nay. Các nhà đầu tư cá nhân mua nhà phố ở khu vực này thường hướng đến việc đón đầu xu hướng ở thực, vì thế, việc bán sản phẩm ra hay cho thuê cũng tương đối dễ dàng và giá ở vẫn còn “mềm” và gia tăng giá trị một cách ổn định”, ông Việt nói.

Nếu khu Đông - Nam, được xem là nơi chuyên phát triển bất động sản cao cấp phục vụ giới đầu tư và tầng lớp trung lưu trở lên thì khu Tây lại có đặc tính chậm nhưng chắc, bền vững hơn vì đa phần phục vụ nhu thật sự của người dân. Dòng vốn đầu tư gần đây đã  xuất hiện bám theo những dự án hạ tầng đang thực hiện việc giải phóng mặt bằng như các tuyến metro hay cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai, thị trường khu Tây TPHCM sẽ còn phát triển nóng hơn nữa về giá lẫn giao dịch. Bởi nơi đây không chỉ là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển đô thị tập trung và đa cực của TPHCM mà còn là khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư, hạ tầng kết nối cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại…

Bên cạnh đó, với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị, việc triển khai quy hoạch đi vào thực tế thì khu vực này được dự báo có thể phát triển xứng tầm với khu Đông của TPHCM. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ mới có một số dự án đưa sản phẩm ra thị trường, trong bối cảnh chung về khan hiếm nguồn cung, và được cho là sẽ có lợi thế rất lớn về sức mua lẫn giá bán.

Theo Văn Dũng (thesaisontimes)

Các tin khác