Giá chung cư bình dân ở Hà Nội quá cao, từ 22-25 triệu đồng/m2

Giá chung cư bình dân ở Hà Nội quá cao, từ 22-25 triệu đồng/m2

Trang chủ » Tin tức » Giá chung cư bình dân ở Hà Nội quá cao, từ 22-25 triệu đồng/m2

Giá nhà đang quá cao, chưa có xu hướng giảm, đơn cử giá chung cư bình dân ở Hà Nội đang từ 22-25 triệu đồng/m2, vượt xa thu nhập của số đông cư dân đô thị.

Ông Bùi Văn Doanh, viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, nhận định tại buổi giao lưu trực tuyến - thị trường bất động sản 2021, dự báo xu hướng và cơ hội đầu tư do tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 18-11.

Ông Doanh cho biết theo thống kê của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, giá nhà chưa có xu hướng giảm trong năm nay.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết trong quý 3-2020, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 0,24% so với quý 2. Trong đó, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%.

Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... có tỉ lệ hấp thụ sản phẩm luôn ở mức rất cao khi bung hàng, đạt khoảng 70% tổng số căn hộ.

Cũng trong quý 3, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM ghi nhận tăng khoảng 0,35% so với quý 2, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung trong khi lượng cầu rất cao dẫn đến giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng vọt và tỉ lệ hấp thụ luôn ở mức cao, ông Doanh đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng không chỉ năm 2020 mà vài năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm, đặc biệt ở phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, nhận định với bối cảnh hiện tại, việc mua nhà với giá 15 triệu đồng/m2 là rất khó. Vài năm trước, một số dự án đã cam kết bán nhà với giá 20 triệu đồng/m2 nhưng rất khó thực hiện.

Chi phí bỏ ra để đầu tư dự án ngày càng tăng lên, mặt khác quá trình giải phóng mặt bằng ì ạch, dẫn đến dự án chậm tiến độ, đẩy chi phí tăng cao, gây gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội gặp áp lực lớn khi việc đầu tư dự án phải đáp ứng cùng lúc 2 yếu tố có hạ tầng cảnh quan, giá rẻ. Mặt bằng chung giá nhà hiện đang tăng lên mà chưa hề có xu hướng giảm dù nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh.

Do đó, rất khó để đưa ra mức giá bán nhà 15 triệu đồng/m2, nếu không có những ưu đãi lớn cho doanh nghiệp. Vị chuyên gia này hi vọng phía cơ quan nhà nước sớm có những cơ chế thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để cung ứng cho thị trường những căn hộ giá phù hợp, đảm bảo được chất lượng, hạ tầng, tiện ích và cảnh quan theo quy hoạch.

Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản năm tới, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tin tưởng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển, bứt phá.

Tỉ lệ đô thị hóa gần 40%, thu nhập người dân đang tăng lên, khả năng tiếp cận nhà ở của người dân cũng cao hơn, đó là những động lực tốt cho thị trường phát triển.

Theo Bích Ngọc (tuoitre)

Các tin khác