Giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng nói gì?

Giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng nói gì?

Trang chủ » Tin tức » Giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng nói gì?

Bộ Xây dựng cho biết, dù kinh tế có sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền không giảm mà vẫn tăng nhưng không đồng đều ở các khu vực, địa phương, phân khúc sản phẩm.

Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy giá giao dịch bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư, du lịch phát triển.

Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân; do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản

Bộ Xây dựng cho biết, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, định hướng giải pháp để quản lý, phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, lành mạnh.

Mới đây, ngày 29/8, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp góp phần ổn định thị trường bất động sản, giá bất động sản. Trong chỉ thị, Thủ tướng nêu một số giải pháp đề xuất nhằm kiểm soát giá bất động sản để ổn định thị trường bất động sản.

Theo đó, yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường.

Kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ nới lỏng sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại; phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá...

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)

 

Các tin khác