“Nhà cao tầng có công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người. Việc bố trí mặt bằng, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)”.
Đại tá Bùi Quang Việt, phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho biết như vậy tại hội thảo "PCCC công trình cao tầng - thực trạng và giải pháp" do báo Xây dựng tổ chức ngày 17-12.
Đại tá Bùi Quang Việt, phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) - Ảnh: LÊ NHI
Ông Việt cho biết thêm, ngoài các yếu tố về đặc điểm kiến trúc, một trong những yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công tác PCCC ở nhà cao tầng là ý thức của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành công trình.
Theo ông Việt, thời gian qua mặc dù ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC ở nhà cao tầng được nâng cao, tuy nhiên sau khi kiểm tra vẫn còn tồn tại một số vi phạm, bất cập phổ biến như điều kiện giao thông chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC… chưa đáp ứng.
"Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay", ông Việt nói.
Những giải pháp về đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng, theo ông Việt: "Tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng.
Các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trong công trình nhà cao tầng...".
TS. Nguyễn Anh Thơ, quyền viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan, dẫn đến xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
"Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn…", ông Thơ cho biết.
Theo ban tổ chức, thống kê đến tháng 12-2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng (trong đó có 1.106 nhà chung cư) tại 55 tỉnh, thành. Trong đó có 3.335 nhà cao từ 10-29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên.
Các công trình cao tầng, siêu cao tầng được sử dụng với nhiều mục đích, công năng đa dạng thường được đầu tư xây dựng dưới dạng các tổ hợp với nhiều tiện ích, công năng khác nhau.
TS. Hoàng Anh Giang, phó giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng), cho rằng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình đã điều chỉnh theo điều kiện quốc gia song cũng chưa thể cân nhắc được hết tất cả các yếu tố liên quan. "Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa hiện nay của chúng ta chưa đầy đủ. Điều kiện tiếp cận đến các kiến thức chuyên môn của các đơn vị, cá nhân tham gia công tác thiết kế, thi công cũng như đánh giá xét duyệt thiết kế hoặc giám sát nghiệm thu chất lượng thi công các hạng mục có yêu cầu về an toàn cháy cho nhà còn chưa đều…", ông Giang nói. |
Theo Quang Thế (tuoitre)
Các tin khác