Giải quyết sớm chuyện sổ hồng chung cư

Giải quyết sớm chuyện sổ hồng chung cư

Trang chủ » Tin tức » Giải quyết sớm chuyện sổ hồng chung cư

Khó khăn đã được nhận diện, vấn đề còn lại là cơ quan chức năng sớm giải quyết những điểm nghẽn để việc cấp sổ hồng cho hàng chục ngàn cư dân thông thoáng trở lại.

Bà N.T.N đóng tiền mua căn hộ tại tòa nhà B chung cư Mỹ Phú (đường Lâm Văn Bền, quận 7, TP HCM) từ năm 2010. Năm 2015, dự án hoàn thành, gia đình bà vào ở.

Chờ đợi mỏi mòn

Từ đó tới nay, bà N. cùng gần 300 hộ dân nơi đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) khiến cuộc sống và quyền lợi bị ảnh hưởng. "Người dân rất hoang mang. Chúng tôi đã nộp đơn cầu cứu nhiều nơi và cũng phản ứng đòi quyền lợi nhưng không có kết quả" - bà N. cho biết.

Hàng trăm hộ dân ở chung cư Mỹ Phú (quận 7, TP HCM) chưa được nhận sổ hồng

Gần đó, phần lớn cư dân tại chung cư M-One Nam Sài Gòn (đường Bế Văn Cấm, quận 7) dù ở thời gian dài nhưng vẫn không thể biết thời điểm nào cầm được sổ hồng trên tay. Vừa qua, ban quản trị chung cư đã gửi đơn kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP HCM làm việc cụ thể với chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất để có thể giải quyết dứt điểm nghĩa vụ tài chính bổ sung của cư dân, tiến đến họ có giấy tờ "chính chủ" tại nơi ở của mình.

Hơn 1.000 hộ dân tại chung cư 4S Linh Đông (TP Thủ Đức, TP HCM) cũng chung cảnh ngộ. Chung cư này đưa vào hoạt động từ tháng 6-2014 nhưng đã gần 9 năm mà chưa ai biết mặt mũi sổ hồng ra sao. Đáng chú ý là nhiều năm qua, cư dân và ban quản trị chung cư dù liên tục có đơn thư gửi UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), Sở Tài TN-MT, UBND TP HCM, HĐND TP HCM… nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể về tình trạng của chung cư này.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông, cho hay việc suốt một thời gian dài không được cấp sổ hồng khiến cư dân có tâm lý bất an. Thậm chí, một số người sau khi mòn mỏi đợi chờ đã chủ động bán căn hộ chuyển đi nơi khác.

"Chúng tôi mong muốn được cấp sổ hồng để bảo đảm cho tài sản của mình. Chúng tôi hoang mang vì qua các báo cáo thống kê của TP Thủ Đức thì chưa hề thấy tên chung cư 4S Linh Đông xuất hiện. Điều mà Ban Quản trị và cư dân trông đợi là thông tin chính xác, rõ ràng, minh bạch về tình trạng chung cư để yên tâm sinh sống" - ông Hoàng bày tỏ.

Nhận diện điểm nghẽn

Thông tin về việc cấp sổ hồng tại 132 dự án trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay mới cấp cho hơn 33.000 trong tổng số gần 72.000 căn hộ/nhà ở. Ngoài ra, còn 14 dự án chưa đủ điều kiện cấp giấy nhưng đây chưa phải là số chính thức nên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát.

Vướng mắc cũng được Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chỉ ra. Cụ thể: Chủ đầu tư nếu điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án sau khi được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với sự thay đổi đó. Đáp ứng điều này thì người nhận chuyển nhượng nhà, đất trong dự án mới được cấp sổ hồng theo quy định tại khoản 22 điều 1 Nghị định 148/2020. Tuy nhiên, việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung gặp vướng mắc và cần nhiều thời gian để các sở, ngành phối hợp xử lý.

Một vướng mắc khác, theo bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM, dự án đang cấp sổ hồng nhưng nếu Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thì phải tạm ngưng để chủ đầu tư khắc phục rồi báo cáo UBND thành phố để báo cáo lên Chính phủ, sau đó mới tiếp tục cấp. Hoặc, dự án đang cấp sổ hồng thì cơ quan tư pháp yêu cầu tạm ngăn chặn để giải quyết một số vấn đề nên ngưng lại.

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế đất - Sở TN-MT TP HCM, nêu thêm nguyên nhân là một số dự án điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất, việc hoàn chỉnh pháp lý kéo dài rất lâu. Có dự án kéo dài từ thời điểm Luật Đất đai năm 2003 được áp dụng đến nay và trong quá trình đó, cả chục quyết định điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cơ cấu sử dụng đất, quy hoạch, diện tích nên việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trở nên phức tạp.

Trong khi đó, việc thẩm định giá lại gặp khó khăn, riêng khâu mời tư vấn thẩm định giá mà họ có tham gia không đã là cả vấn đề. "Hồ sơ liên quan điều chỉnh bổ sung quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất là họ rất ngán, đặc biệt với thời điểm cũ là cực kỳ khó. Thành phố thống kê 47 hồ sơ mời chào thầu rất nhiều lần nhưng không có đơn vị tư vấn nào tham gia cả, có trường hợp chào 14 lần và tiếp tục chào mời" - ông Nguyễn Như Bình dẫn chứng.

Theo trưởng Phòng Kinh tế đất, đa số trường hợp khi xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung thì chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất rồi, sau đó phát sinh điều chỉnh. Nhiều dự án điều chỉnh thông số không lớn nhưng theo quy định thì bắt buộc phải định giá lại xem có phải thu hay không, thu bao nhiêu. "Nhiều doanh nghiệp nói thay vì nộp 1 tỉ, họ nộp 2-3 tỉ đồng để giải quyết cho xong nhưng thủ tục định giá hết sức phức tạp" - ông Bình băn khoăn.

Để giải quyết việc cấp sổ hồng cho người dân mua nhà và ngân sách có nguồn thu, ông Nguyễn Như Bình đề xuất những dự án như nêu trên sẽ được cấp một phần, Sở TN-MT sẽ xác định tỉ lệ cấp là bao nhiêu.

Theo Sở TN-MT TP HCM, năm 2023 sẽ đẩy nhanh giải quyết việc cấp sổ hồng cho 20.300 căn nhà đã được thẩm định đủ điều kiện.

Quận 7: Hơn 16.900 căn hộ ngóng sổ hồng

Mới đây, báo cáo HĐND TP HCM tại buổi giám sát về công tác cấp sổ hồng cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, trên địa bàn có 20 chung cư với 9.692 căn hộ được cấp sổ hồng; 7 chung cư đã được cấp sổ hồng một phần, với 1.786 căn hộ, còn lại 2.586 căn chưa được cấp. Quận 7 còn 29 chung cư, với 16.930 căn hộ chưa được cấp sổ hồng...

Quận 7 kiến nghị UBND TP HCM và Sở TN-MT sớm phê duyệt phương án giá đất của các dự án để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất của chủ đầu tư.

Theo Quốc Bảo (Người Lao Động)

Các tin khác