Một số người sử dụng đất "bỏ bom", nhất quyết không đồng ý bán đất cho chủ đầu tư khiến dự án nhà ở đình trệ, Luật đất đai mới cần có cơ chế giải quyết.
Nhiều đại biểu đề xuất Luật đất đai mới có phương án giải quyết tình trạng các dự án tư nhân còn 10 - 20% diện tích đất chưa thương lượng bồi thường được.
Hội thảo góp ý dự án Luật đất đai ngày 5-10 - Ảnh: HỮU HẠNH
Đề xuất trên được đưa ra tại hội thảo góp ý dự án Luật đất đai sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 5-10.
Các đại biểu đến từ các cơ quan, huyện của TP.HCM nêu thực tế về tình trạng các dự án tư nhân đã thương lượng bồi thường được 80 - 90% diện tích nhưng vẫn không triển khai được, do những người sử dụng đất còn lại không đồng ý thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc có diện tích 110ha đã bắt đầu thương lượng bồi thường cho người dân từ năm 1999, chủ đầu tư đã thỏa thuận được trên 85% diện tích nhưng những người dân còn lại không đồng ý thỏa thuận bồi thường.
Dự án lại không thể điều chỉnh giảm diện tích bởi phần đất chưa được người dân đồng ý bán cho chủ đầu tư nằm lẫn bên trong dự án.
Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè còn dẫn chứng tình trạng "bỏ bom" các dự án trên địa bàn huyện này. Có dự án chỉ còn vài ngàn mét vuông đất chưa thương lượng được, nhưng người sử dụng đất nhất quyết không nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư bất kể giá cao cỡ nào.
TS Trần Du Lịch nói thậm chí có người chủ động mua gom một diện tích đất trong phạm vi các dự án nhà ở. Chủ đầu tư trả giá nào cũng không bán.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn góp ý tại hội thảo ngày 5-10 - Ảnh: HỮU HẠNH
"Hậu quả của việc này là dự án đình trệ, kinh tế địa phương không phát triển, chủ đầu tư, nhà nước và cả người dân đều không được lợi ích gì từ dự án", ông Võ Phan Lê Nguyễn phân tích.
Trước tình trạng đó, lãnh đạo huyện Nhà Bè nói ông mong lần này Quốc hội có cái nhìn trực diện vào vấn đề để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Có thể để tòa án giải quyết tranh chấp và phán quyết về giá chuyển nhượng, buộc người "bỏ bom" phải chấp nhận giá chuyển nhượng.
Còn đại diện quận Bình Tân thì đề nghị Nhà nước cưỡng chế thu hồi đất đối với các dự án không dùng ngân sách đã được 90% người dân đồng thuận.
Nhiều đại biểu đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm, hoặc phải điều chỉnh cách làm để linh hoạt hơn.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn nêu một thực tế là tại TP.HCM không có bất kỳ đơn vị nào có thể thực hiện kế hoạch sử dụng đất từ đầu năm, không có dự án nào hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trong vòng 3 năm.
Nhiều dự án ghi vốn đầu tư công trung hạn 2-3 năm, chưa bố trí được vốn đã phải đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất. Ông Nguyễn đề xuất: "Luật đất đai bỏ luôn kế hoạch sử dụng đất hằng năm hoặc nới lỏng thời gian hết hạn kế hoạch sử dụng đất để xử lý các dự án đầu tư công".
Kế hoạch sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân cần mở hơn để dành sự linh động cho các địa phương chứ không lập kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất như hiện nay. Chỉ nên ước định diện tích chuyển mục đích sử dụng đất hằng năm cho địa phương chứ không đưa ra chính xác diện tích, số thửa đất, tên người sử dụng… trong kế hoạch.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng cho rằng việc lập kế hoạch sử dụng đất tới từng thửa đất là một khối lượng công việc khổng lồ, rất tốn kém thời gian và chi phí. Có thể khoanh vùng hay cách làm nào đơn giản hơn được không?
Theo D.N.HÀ - CẨM NƯƠNG (tuoitre)
Các tin khác