"Đây là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ” – Đó là nhận định của T.S Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thượng hiệu và Cạnh tranh tại Hội thảo về “Chiến lược đầu tư thời Covid-19” vừa diễn ra.
Đây là Hội thảo do Tạp chí Thương gia tổ chức sáng ngày 18/11, có sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong ngành. Nhận định về thị trường BĐS hiện nay, đa số các chuyên gia đều cho rằng đây là giai đoạn quan trọng để thị trường BĐS hồi sinh sau những tháng ngày đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sự phục hồi này có thể sẽ bắt đầu thời điểm này và cả năm 2021. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nhận định "sắp đến thời điểm vàng" của thị trường BĐS.
Có 2 nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra cho nhận định sự phục hồi này. Một là, Nhà nước đang có nhiều chính sách mới thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như: : Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là "Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai", sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Hai là, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với đó là dòng vốn đầu tư công và hạ tầng đang được đẩy mạnh là cơ sở thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội khiến thị trường BĐS sẽ sôi động trong thời gian tới.
Đây cũng là thời điểm và cơ hội cho hoạt động đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư hiện nay đang có sự thay đổi rõ rệt.
Theo T.S Võ Trí Thành, nhiều phân khúc có tiềm năng lớn, thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Riêng bất động sản công nghiệp vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm và thêm dư địa phát triển.
"Đây là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh, địa phương; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn", Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Theo lời khuyên của vị chuyên gia này, các nhà đầu tư hãy đầu tư dài hạn. Sự phát triển của ngành bất động sản có xu hướng dồn về các địa phương giáp ranh các đô thị lớn TP HCM, Hà Nội... Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý 4 yếu tố khi đầu tư vùng ven, bao gồm tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư "đầu đàn" và cuối cùng mới tới tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Với ông Thành, tính kết nối của địa phương về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt quan trọng nhất khi lựa chọn địa phương để đầu tư.
Đồng quan điểm, T.S Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng thị trường BĐS công nghiệp là một điểm sáng của thị trường, thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phát triển BĐS công nghiệp không chỉ có xây dựng KCN mà còn là xây cả chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi... Đây là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập EVFTA và nền kinh tế kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận.
Đầu tư bất động sản công nghiệp chính là hình thành chuỗi giá trị khép kín, cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và cơ sở hạ tầng từng bước được thay đổi. Nếu làm đúng, ông Khương đánh giá Việt Nam sẽ được xem như là Trung Quốc +1.
Dự báo về thị trường BĐS sắp tới, ông Lê Hoàng Châu cho rằng từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường BĐS cả nước và Tp.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.
Riêng tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường BĐS Tp.HCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
Theo Nhật Minh (CafeF)
Các tin khác