Hiểu cho đúng chuyện 'bỏ sổ hộ khẩu'

Hiểu cho đúng chuyện 'bỏ sổ hộ khẩu'

Trang chủ » Tin tức » Hiểu cho đúng chuyện 'bỏ sổ hộ khẩu'

Khi báo chí đưa tin dự án Luật Cư trú sửa đổi sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới có phương án bỏ sổ hộ khẩu, cần phải hiểu đó là cách nói gọn, nói cho đầy đủ phải là Luật Cư trú mới sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và do đó cũng sẽ bỏ các thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu như tách sổ, cấp đổi sổ, điều chỉnh nhân khẩu... Thay vào đó là hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nói cách khác, trong tương lai sẽ chỉ bỏ tờ giấy lâu nay được gọi là sổ hộ khẩu, Nhà nước vẫn phải quản lý công dân và hộ gia đình bằng các hình thức khác. Hộ gia đình là một khái niệm quan trọng, không thể thiếu; có thống kê được các đặc điểm cơ bản của hộ gia đình Việt Nam, các số liệu tổng quát thì mới vạch ra được các chính sách kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế liên quan.

Từ đó mới nảy sinh một lo ngại, không biết Luật Cư trú sẽ quản lý hình thức hộ gia đình như thế nào; làm sao gắn kết các cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thành từng hộ, bằng địa chỉ sẽ không chính xác, bằng mối quan hệ cũng không ổn. Đây là điểm cần làm rõ khi Quốc hội bàn thảo Luật Cư trú sửa đổi sắp tới.

Điểm thứ hai là việc bỏ sổ hộ khẩu như đang bàn là liên quan đến việc quản lý dân cư; thế nhưng hộ gia đình và tờ giấy hộ khẩu để chứng minh mối quan hệ của hộ gia đình còn có nhiều chức năng khác như giúp Nhà nước triển khai các chương trình an sinh xã hội, như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các hộ cận nghèo... Việc sử dụng sổ hộ khẩu làm căn cứ để nhanh chóng triển khai các chương trình an sinh như thế, nhất là trong nỗ lực hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, cần phải duy trì và duy trì trong ổn định.

Sang năm 2021, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, nếu lúc đó toàn dân, kể cả vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đều đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà chính quyền địa phương các cấp đều có thể truy cập thì quá tốt. Nhưng thử nghĩ ở các xã nghèo, làm sao có phương tiện tiếp cận công nghệ, không lẽ vì thế mà họ bị loại trừ khỏi chương trình hỗ trợ hay sự hỗ trợ bị chậm trễ so với nơi khác? Đó chính là “khoảng cách số” (digital divide) mà nhiều người từng cảnh báo bên cạnh hố sâu ngăn cách giàu nghèo.

Trong quá trình số hóa công tác quản lý hành chính, cần chú ý đến khái niệm “khoảng cách số” vì giả dụ một chính sách nào đó dù vô tình chứ không cố ý, nhưng vẫn tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người dân đã có chứng minh thư số và người chưa có, thì đó vẫn là chính sách chưa hoàn hảo.

Sổ hộ khẩu bằng giấy, nếu là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính thì bỏ là đúng, nhưng nếu là một phương cách chứng minh nhân thân của hộ gia đình cho những ai chưa có nhân dạng số, sao lại bỏ đi, rất lãng phí và dễ tạo ra tình trạng bất bình đẳng.

Nói tóm lại, luật nên khẳng định bỏ khái niệm quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu còn vai trò sổ hộ khẩu trong giai đoạn chuyển tiếp, nếu giúp được việc quản lý hành chính thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn, nhất là ở các vùng nông thôn, cần phải được khẳng định là sẽ duy trì, nhất trong vài ba năm tới. Sổ hộ khẩu cũng là một dạng cơ sở hạ tầng phải tốn kém lắm mới xây dựng ổn định như hiện nay, không cần đặt vấn đề bỏ mà cứ để nó mất dần tác dụng khi các phương thức khác hiện đại hơn, dần thay thế.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Các tin khác