Không những tiếp cận vốn vay ngân hàng khó mà người dân hiện nay còn lo lắng khi thực hiện giao dịch bất động sản.
Hồ sơ “ngâm” hơn 4 tháng
Bà Thanh Hòa (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, hồ sơ chuyển nhượng nhà đất của bà nộp lên cơ quan thuế từ tháng 1 đến nay vẫn chưa hoàn tất. Sau khi bị buộc phải khai lại giá giao dịch thay vì giá trị mà bà khai theo bảng giá đất nhà nước công bố, bà Hòa còn phải cam kết giá giao dịch 6,2 tỉ đồng là đúng với giá thị trường. Cuối tháng 4, bà đã đóng thuế và phí hơn 100 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể lấy được giấy tờ đất. Người mua đất của bà đang vay vốn ngân hàng (NH) nhưng hồ sơ thuế chưa xong nên khoản tiền thanh toán vẫn bị treo trên tài khoản mà chưa thể sử dụng được. “Tức quá mà không biết phải làm sao! Mất 4 tháng mà giao dịch vẫn chưa thể hoàn tất”, bà Thanh Hòa bức xúc.
Người dân bị "siết"thuế liên quan giao dịch bất động sản - NGỌC DƯƠNG
Từ nhiều tháng nay, cơ quan thuế các tỉnh thành liên tục “siết” giá kê khai giao dịch BĐS để giảm thất thu thuế. Theo Tổng cục Thuế, số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hoạt động chuyển nhượng BĐS chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm đạt 8.209 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 3.200 tỉ đồng. Nguyên nhân số thu tăng đến từ việc áp dụng một số biện pháp để thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh... Cơ quan thuế căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện việc kê khai nộp thuế và yêu cầu kê khai lại, qua đó tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng.
Quy định bất cập
Việc duy trì song song bảng giá đất do nhà nước công bố nhưng trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS lại không chấp nhận người dân kê khai theo giá này khiến thị trường bị rối. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều bất hợp lý trong các quy định liên quan về BĐS.
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM báo cáo UBND TP kiến nghị một số giải pháp chống thất thu thuế liên quan đến thị trường BĐS. Trong đó, đề cập việc giao Sở TN-MT cung cấp thông tin cho cơ quan thuế đối với các trường hợp kê khai giá trị BĐS trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá của chính BĐS đó tại các lần giao dịch trong lịch sử để cơ quan thuế xử lý theo quy định; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để tham mưu kịp thời cho UBND TP ban hành bảng giá đất sát với giá thị trường cho phù hợp thực tiễn. Bảng giá đất áp dụng hiện nay chỉ chiếm khoảng 15 - 25% so với giá thị trường.
Năm 2018, Cục Thuế TP.HCM từng kiến nghị UBND TP tăng giá bảng giá đất lên 2 lần so với hiện tại để áp dụng tính thuế TNCN, lệ phí trước bạ khi cá nhân chuyển nhượng BĐS. Nếu kiến nghị trên được chấp thuận, hằng năm số thu thuế TNCN, lệ phí trước bạ trong hoạt động chuyển nhượng nhà, đất trên địa bàn TP.HCM tăng thêm trên 2.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cho rằng người dân chuyển nhượng BĐS khai giá và tự chịu trách nhiệm về mức giá khai. Việc nhận hồ sơ giao dịch BĐS và găm nhiều tháng trời của người dân vì cho rằng giá không “thực tế” là giao quyền quá lớn cho phía cán bộ thuế. Người dân tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Còn nhiệm vụ của cơ quan thuế là giải quyết hồ sơ thuế đúng thời gian quy định, không cản trở giao dịch BĐS của người dân. Nếu thấy giá khai chưa đúng, cơ quan thuế tự điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo T. Xuân & M. Phương (thanhnien)
Các tin khác