Hôm nay ngày 29/4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, cũng là ngày cuối cùng của mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay. Do là ngày cuối nên các ngân hàng chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên đều tổ chức và có tới 6 cái tên được nhắc tới gồm VPBank, LienVietPostBank, Nam A Bank, Kienlongbank, VietCapital Bank và ABBank.
VPBank, Kienlongbank và LienVietPostBank là những đại hội thu hút sự chú ý đặc biệt.
PBank tổ chức đại hội vào buổi chiều tại Hà Nội. Trước thềm đại hội 1 ngày, ngân hàng công bố thông tin đã bán 49% vốn của công ty con Fe Credit cho đối tác SMBC của Nhật với giá trị gần 1,4 tỷ USD (Fe Credit được định giá 2,8 tỷ USD).
Năm nay VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020. Trong quý 1, ngân hàng đã có lãi hơn 2.900 tỷ đồng. Với thương vụ bán Fe Credit vừa thực hiện, lợi nhuận thời gian tới của ngân hàng sẽ được hạch toán một khoản khổng lồ và mục tiêu hơn 16.600 tỷ đồng có vẻ trở nên "lạc hậu".
LienVietPostBank cũng đại hội trong buổi chiều tại Tp. Hồ Chí Minh. Ngân hàng này tỏ ra bí ẩn khi chỉ công khai tài liệu đại hội trên website 3 ngày trước khi diễn ra đại hội. Trong năm nay LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020. Tổng tài sản dự kiến đạt 282.600 tỷ đồng, tăng 16,6%; tín dụng thị trường 1 tăng 20% lên 213.020 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% lên 237.770 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ thêm 4.956 tỷ đồng lên 15.703 tỷ. Trong quý 1, ngân hàng Liên Việt đã ghi nhận lợi nhuận bằng hơn 35% kế hoạch cả năm.
Nhưng sự chú ý ở LienVietPostBank không hẳn là kết quả kinh doanh mà là biến động nhân sự. Tại kỳ này, ông Nguyễn Đức Thụy được đề cử vào HĐQT, ông là cổ đông lớn của ngân hàng vừa xuất hiện vào đầu tháng 2. Bầu Thuỵ là 1 trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, là người sáng lập Thaiholdings và vừa từ nhiệm hết các vị trí chủ tịch ở loạt công ty của ông. Nhiều đồn đoán rằng ông sẽ lên làm chủ tịch Liên Việt.
Nam A Bank trong khi đó tổ chức đại hội tại Đà Lạt. Vài năm gần đây ngân hàng này đều tổ chức ở Đà Lạt, thay vì tại Tp. Hồ Chí Minh như từ năm 2018 trở về trước. Năm nay Nam A Bank đặt mục tiêu tăng thêm 10,2% tổng tài sản lên 148 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 16%; tín dụng cá nhân và tổ chức kinh tế tăng 20% và đảm bảo room tín dụng NHNN giao; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận dự kiến sẽ tăng khoảng 40% đạt 1.400 tỷ đồng với cơ sở là tăng trưởng tín dụng đạt mức kế hoạch đề ra, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.
Vietcapital Bank tổ chức đại hội cổ đông tại Vũng Tàu. Ngân hàng hướng tới tổng tài sản tăng 31% lên 80 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 20%; dư nợ cấp tín dụng tăng 20% và lợi nhuận trước thuế tăng 44% lên 290 tỷ đồng. Đồng thời năm nay và 2022, BVB có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.050 tỷ đồng. Trong quý 1, ngân hàng đã có lợi nhuận hơn 152 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn một nửa kế hoạch cả năm.
Kienlongbank tiếp tục đại hội cổ đông ở Kiên Giang, nơi ngân hàng có hội sở chính. Trong năm nay ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản thêm 16,6%; tín dụng tăng trưởng hơn 28%, huy động vốn tăng 14% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2020.
Mục tiêu lợi nhuận của Kienlongbank đưa ra dựa trên cơ sở thu hồi được khoản nợ liên quan đến tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank. Trong quý 1, ngân hàng đã hoàn tất việc bán cổ phiếu và thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận, nên kế hoạch cả năm cũng trở nên "lạc hậu" với nhà đầu tư.
Nhưng sự thu hút chú ý ở đại hội này là nhân sự. Trong đại hội lần này, chủ tịch của Sunshine Group sẽ tham gia vào HĐQT Kiên Long. Ngân hàng cũng sẽ thông qua kế hoạch bổ sung thêm tên viết tắt KSBank song song với Kienlongbank.
Còn ABBank tổ chức đại hội cổ đông ở Hà Nội. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước; Tổng tài sản dự kiến đạt 120,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3%; dư nợ cho vay tín dụng ước tăng 18% lên 81,7 nghìn tỷ đồng (sẽ điều chỉnh theo room tín dụng được NHNN cho phép). Quy mô huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 8% lên 87,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Theo Tùng Lâm (CafeF)
Các tin khác