HoREA vừa có văn bản gửi các cơ quan của Quốc hội đề xuất hoàn thiện nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư.
Tại văn bản này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tán thành đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 376/TTr-CP ngày 05/10/2021 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự thảo Luật sửa 10 luật).
Hàng trăm dự án bất động sản thương mại đang gặp vướng mắc.
Trong Dự thảo Luật sửa 10 luật, tại Khoản 5 Điều 3 có đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
Theo HoREA, nếu được Quốc hội xem xét thông qua Khoản 5 Điều 3 Dự thảo Luật sửa 10 luật thì sẽ tháo gỡ được “ách tắc” cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước, vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, vừa tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản, giúp kéo giảm giá nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.
Chính vì vậy, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư theo hai trường hợp.
Đối với trường hợp chỉ sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 theo Khoản 5 Điều 3 Dự thảo Luật sửa 10 luật, Hiệp hội đề xuất thay thế cụm từ “đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác” bằng từ “đất” và cũng bố cục lại nội dung đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai và “gọn gàng, khúc chiết”.
Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 đồng thời “tích hợp” nội dung Khoản 4 vào Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, Hiệp hội cũng đề xuất 2 phương án sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 trên cơ sở “tích hợp” nội dung Khoản 4 vào Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014. Theo đó, phương án 1 là cơ bản giữ nguyên nội dung dự thảo và “tích hợp” nội dung “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của Khoản 4 vào Khoản 1 Luật Nhà ở 2014.
Đối với phương án 2, Hiệp hội đề xuất thay thế cụm từ “đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác” bằng từ “đất” và “tích hợp” nội dung “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của Khoản 4 vào Khoản 1 Luật Nhà ở 2014 và cũng bố cục lại nội dung tương tự như tại Phương án 1.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 như sau: “1. Có quyền sử dụng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.
Trong trường hợp này, HoREA cũng đề xuất chọn phương án 2 vì đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai và “rất gọn gàng, khúc chiết”.
Nếu được cho phép “tích hợp” nội dung Khoản 4 vào Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (trên đây) được chấp thuận thì Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm e Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 để bãi bỏ thêm Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 như sau: “e. Bãi bỏ khoản 3 Điều 22, khoản 4 Điều 23 và Điều 171” Luật Nhà ở 2014.
Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật này theo hình thức “rút gọn” để vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, công bằng, lành mạnh, vừa kịp thời hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch Covid-19.
Theo Hữu Tuấn (baodautu)
Các tin khác