Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của chương trình áp dụng từ nay đến 30/6/2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho hay Hiệp hội rất hoan nghênh đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Bởi, trong khi nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023), và được vay ưu đãi với thời hạn tối đa 25 năm theo quy định của Luật Nhà ở 2014, thì "đề án" đã có giải pháp tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bố trí chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng.
Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn 1,5- 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank trên thị trường trong từng thời kỳ. Các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện cũng thực hiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP" về nội dung của chương trình.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của chương trình áp dụng từ nay đến 30/6/2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, với quy định "áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm" và "lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi", thì "ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất" có thể dẫn đến "rủi ro" cho người vay vốn, khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, "thời gian ưu đãi là 5 năm" là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội, là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
"HoREA nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường, thì đây sẽ là "gánh nặng" cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động.
Hiệp hội này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, để xây dựng cơ chế hợp tình hợp lý hơn.
Cụ thể, kiến nghị của HoREA, về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, hiệu quả, căn cơ, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới, và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành, nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Với hướng bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Theo Minh Tâm (CafeF)
Các tin khác