Có đến hơn 70% dự án giao thông tại TPHCM bị chậm tiến độ, trong đó, dự án bị trì hoãn trong thời gian ngắn là 2-3 năm, có dự án bị kéo dài lên đến 20 năm vẫn chưa hoàn thành. Các dự án chậm trễ kéo theo nhiều hệ lụy như tổng mức đầu tư tăng, gây ô nhiễm môi trường và kẹt xe, từ đó tạo ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Việc chưa tìm được giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì các dự án vốn đã chậm nay sẽ càng chậm thêm nhiều năm nữa.
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè đã phê duyệt 20 năm đến nay dự án vẫn đang thi công dở dang - Ảnh: Hoàng Minh
Chậm 1 năm rồi 2 năm... đến 20 năm
Có lẽ, chưa khi nào vấn đề chậm tiến độ của các dự án giao thông tại TPHCM lại "nóng" như hiện nay. Tại kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra hồi giữa tháng 7, tình trạng chậm tiến độ của các dự án giao thông cũng làm "nóng" nghị trường khi nhiều câu hỏi được đặt ra vì sao dự án cứ chậm hết năm này đến năm khác.
Phần lớn các dự án đều chậm tiến độ với đủ các mốc thời gian, ít thì 2-3 năm, nhiều kéo dài đến 20 năm. Trong số những dự án chậm tiến độ phải kể đến dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (hay còn gọi là dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2) đến nay đã kéo dài 20 năm nhưng vẫn chưa làm được. Hay như dự án cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè dự án đã duyệt gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Những dự án trễ từ 10 năm trở lại có thể kể đến như mở rộng xa lộ Hà Nội; cầu đường Bình Tiên; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9)…
Ngay cả những dự án quy mô không lớn nhưng là dạng dự án cấp bách để giảm kẹt xe như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình cũng chậm đến 2 năm.
Khi đích thân đi giám sát các dự án, ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TPHCM thẳng thắn chỉ ra 10 nguyên nhân làm chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông. Trong đó có các vấn đề thuộc về cơ quan quản lý nhà nước như việc chuẩn bị đầu tư dự án chưa chặt chẽ nên phải điều chỉnh 3-4 lần (nút giao Mỹ Thuỷ, quận 2; đường Lê Trọng Tấn; cầu Bưng).
Tiếp đến là bất cập trong các đồ án quy hoạch 1/2000 ở các địa phương; phân bổ vốn chưa hợp lý; nhận thức khác nhau trong việc xác định giá bồi thường; chậm giao mặt bằng; đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và quận huyện; phối hợp giữa các địa phương với sở ngành chưa chặt chẽ; cơ chế chính sách chưa nhất quán...
75% chậm do... mặt bằng
Trong số 10 nguyên nhân được ông Phạm Đức Hải chỉ ra thì hiện nay vấn đề giải phóng mặt bằng đang là vấn đề nan giải nhất với TPHCM. Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TPHCM cho biết, trong 75 dự án mà ban này đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, tức là số dự án chậm do đợi mặt bằng chiếm đến 75% tổng số dự án.
"Bình quân thời gian thi công các dự án chỉ từ một đến hai năm, ngắn hơn thời gian chờ đợi mặt bằng. Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công đúng tiến độ", ông Phúc khẳng định.
Những điều ông Phúc nói được dẫn chứng bằng dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) chờ mặt bằng đến 2 năm nhưng thi công chỉ 6 tháng. Hay như dự án đường Lương Định Của (quận 2) đã chậm tiến độ so với kế hoạch 4 năm nhưng chỉ cần được giao mặt bằng thì trong 9 tháng là có thể hoàn thành.
Khi dự án bị chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà đẩy cả chi phí giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều. Ví dụ như dự án mở rộng quốc lộ 13 thời điểm năm 2002, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.500 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 8.176 tỉ đồng.
Khi tổng mức đầu tư các dự án tăng, dẫn đến thiếu vốn, đặc biệt là các dự án đang thi công dở dang. Dù có vốn dự phòng cho việc trượt giá nhưng có những dự án tăng quá cao nên phần dự phòng không đủ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố dành đến 37,5% để phát triển hạ tầng giao thông trong tổng số vốn đầu tư công. Thế nhưng, nguồn vốn dành cho giao thông vẫn rất thiếu, vì thế thành phố tập trung cho các công trình trọng điểm.
Một khó khăn nữa liên quan đến nguồn vốn khi Luật Đầu tư công mới quy định, tổng vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20%. Trong khi nhu cầu vốn dự án giai đoạn cũ của TPHCM lên đến 220.000 tỉ đồng. Quy định này khiến dự án cũ không thể triển khai được vì không có vốn; còn dự án mới sẽ không có cơ sở lập dự án đầu tư mới trong 5 năm tới.
Phó chủ tịch TPHCM cho biết, chính quyền thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TPHCM xin chủ trương cắt giảm một số dự án. Đồng thời, bên cạnh đó xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Theo Lê Anh (the saigontime)
Các tin khác