Chiều 19-11, đông đảo cử tri TP Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm tới việc điều chỉnh Luật đất đai với góp ý để nguồn lực này là tài nguyên phát triển đất nước, không để đất đai thành "chùm khế ngọt" cho các nhóm lợi ích cấu kết chia chác.
Nói tại hội nghị tiếp xúc cử tri và báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại TP Đà Nẵng chiều 19-11, cử tri Nguyễn Thanh Ngọc, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, phản ảnh thời gian qua xuất hiện tình trạng cán bộ nhà nước cấu kết kẻ xấu ăn chia đất đai, gây ra nhiều bất bình trong nhân dân.
Cử tri Ngọc kiến nghị hoàn thiện Luật đất đai theo hướng đất đai là tài nguyên cho sự phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, không để đất đai là "chùm khế ngọt" cho những kẻ tham lam cấu kết chia chác. Phân bổ đất đai hợp lý cho phát triển kinh tế với hoạt động văn hóa, tinh thần. Giữ gìn nguồn lực đất đai cho các thế hệ con cháu mai sau.
Theo cử tri này, các địa phương không được bán đất để tăng thu ngân sách mà phải đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, không để tái diễn các vụ án lớn liên quan đất đai như Phan Văn Anh Vũ, Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thái Luyện…
Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Cử tri Nguyễn Văn Quỳnh, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thì phản ảnh chính sách bồi thường, tái định cư hiện chưa thỏa đáng, tiền bồi thường hỗ trợ không đủ để người dân tạo dựng cuộc sống tại nơi ở mới. Các khu tái định cư không đảm bảo phù hợp điều kiện sống và mưu sinh cho người dân so với nơi ở cũ.
Một thực trạng khác liên quan đất đai là hiện nhiều dự án bất động sản rao bán trên giấy, người mua đất nộp tiền nhiều năm không được nhận đất.
Ông Quỳnh kiến nghị khi sửa đổi Luật đất đai, việc bồi thường và hỗ trợ tái định cư phải làm cho người dân chuyển đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ. Khi thẩm định phê duyệt dự án bất động sản phải quan tâm nơi ở cho người dân tái định cư, bao gồm các công trình giao thông, công cộng, thiết chế văn hóa xã hội.
Cử tri Quỳnh cho rằng Nhà nước cần có giải pháp để các chủ dự án không vì khai thác tối đa lợi nhuận mà giảm nhẹ sự quan tâm đến người dân, dẫn đến người nghèo khó tiếp tục nghèo khó vì không ổn định sinh kế, còn người giàu tiếp tục giàu lên nhờ mua đi bán lại đất đai, nhà cửa lòng vòng để khai thác lợi nhuận.
Cử tri Nguyễn Văn Quỳnh, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Cử tri này đề nghị quy định dự án bất động sản chỉ được giao dịch mua bán, chuyển quyền sử dụng đất khi đã hoàn thành toàn bộ, kể cả khu tái định cư. Đây là nội dung quan trọng mà thời gian qua một số nơi trên cả nước gặp vướng mắc vì sự dối trá, lừa đảo của chủ dự án đối với cấp có thẩm quyền và người dân có nhu cầu mua nhà đất.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính của các chủ dự án bất động sản, tránh tình trạng xây dựng nửa chừng thiếu vốn, làm kéo dài thời gian, nảy sinh khiếu kiện phức tạp vì chủ đầu tư không giao nhà, đất cho người mua.
Không để cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật Trả lời cử tri tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, nói rằng yêu cầu xây dựng văn bản pháp luật trong tình hình mới phải có chất lượng, khoa học, tính khả thi, khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữ các bộ luật, không để xảy ra việc cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tham nhũng chính sách. "Tham nhũng một số tiền, một dự án, miếng đất hay vụ việc cụ thể có thể đo lường được nhưng tham nhũng chính sách, cấu kết tạo lỗ hổng trong xây dựng pháp luật gây hậu quả rất lớn. Hiện nay Bộ Chính trị đã có chỉ đạo quyết liệt việc này, tuyệt đối không để cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật", ông Thưởng nói. Cũng theo ông Thưởng, trong quá trình làm một số luật quan trọng cũng đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Khi pháp luật có vấn đề, để xảy ra sai phạm lớn nảy sinh từ quy định pháp luật thì đề nghị phải truy tới cùng xem lúc xây dựng văn bản pháp luật cơ quan nào chịu trách nhiệm. |
Theo Tấn Lực (tuoitre)
Các tin khác