Không lấy đất lúa, đất rừng, danh lam thắng cảnh... làm sân golf

Không lấy đất lúa, đất rừng, danh lam thắng cảnh... làm sân golf

Trang chủ » Tin tức » Không lấy đất lúa, đất rừng, danh lam thắng cảnh... làm sân golf

Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng… sẽ không được sử dụng để xây dựng sân gôn (golf) và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 27-4-2020. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-6-2020.

Một sân golf của Tập đoàn FLC. Ảnh: Ảnh: FLC.

Tuy nhiên, đối với dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi thì Nghị định này cho phép được sử dụng tối đa không quá 5 héc ta đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng. Hoặc với dự án sân gôn sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên thì phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất.

Diện tích sân gôn cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Đơn cử, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 héc-ta (bình quân không quá 5 héc-ta trên một lỗ golf); diện tích dự án xây dựng lần đầu không được quá 270 héc-ta (54 lỗ golf)...

Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày nhận được quyết định cho thuê đất...

Ngoài ra, Nghị định 52 quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân gôn phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là, đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân gôn theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư cũng phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân gôn và người lao động tại địa phương.

Nhà đầu tư cũng phải tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân gôn.

Một điểm đáng lưu ý là nhà đầu tư sẽ bị cấm đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf khi việc này chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định 52 và pháp luật có liên quan; hoặc lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép…

Trường hợp nhà đầu tư đề xuất các dự án sân golf khác nhau trên cùng địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đề xuất dự án sân golf kế tiếp của nhà đầu tư đó chỉ được xem xét sau khi dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư trước đó hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động.

Có thể nói, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf đã làm rõ loại hình này trở thành ngành kinh doanh có điều kiện thay vì quy hoạch như trước đây nữa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-6-2020.

Nghị định 52 quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện:

1- Đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2- Có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện Dự án sân golf và người lao động tại địa phương.

3- Tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Việc cung cấp dịch vụ chơi golf, kinh doanh hoạt động tập luyện, thi đấu và các dịch vụ có liên quan phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính và nhân lực theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao.

Theo Lê Hoàng (thesaigontimes)

Các tin khác