Trong dự thảo chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2025 được trình HĐND TPHCM khóa IX tại kỳ họp lần thứ 9, UBND TP cho biết, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm (quận 1 và quận 3).
Khu vực trung tâm thành phố sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây nhà ở cao tầng. Trong ảnh: trung tâm thành phố nhìn từ công trường nhà ga Bến Thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Trong khi đó, khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Đồng thời, ưu tiên cho các dự án cải tạo, xây mới thay thế các chung cư cũ trước năm 1975; chỉnh trang nhà ở ven kênh, rạch…
Khu vực 6 quận nội thành phát triển (gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, như metro 1 tại quận 2, 9, Thủ Đức hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Hạn chế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Khu vực 5 huyện ngoại thành (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính.
Tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2015, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, đường vành đai…
Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới (cao cấp và bình dân) phù hợp với các đối tượng để giảm dân nội thành, kết hợp với tổ chức lại đân cư ngoại thành và phục vụ giải phóng mặt bằng ở nội thành.
Theo dự thảo, quan điểm phát triển nhà ở của thành phố hướng đến các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
UBND TP đề ra mục tiêu phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 của toàn TP là 19,8m2/người.
Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội, gồm 10.000 căn cho các đối tượng thu nhập thấp và 10.000 căn cho các đối tượng tái định cư; 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân và 6.750 chỗ ở tập trung cho sinh viên.
Từ nay đến 2020, thành phố tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục đường giao thông công cộng lớn nằm trên 6 quận nội thành phát triển theo quy hoạch để thay thế các khu vực nhà ở cũ, xuống cấp.
Đồng thời cũng khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê. Ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội để người khó khăn về nhà ở (lao động nhập cư) được thuê, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, trái phép ở các khu vực ngoại thành.
Đáng chú ý, thành phố là sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư trong các lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở xã hội cho thuê.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh, phát triển nhà ở phải đảm bảo sự đồng bộ thống nhất với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên. Tỷ lệ nhà ở cao tầng phát triển tăng dần, thành phố phấn đấu nhà ở chung cư đạt 39% các nhà ở xây dựng mới.
Theo ông, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Liên đoàn lao động TP, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP để rà soát đánh giá nhu cầu và dự án liên quan đến nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, đưa ra chỉ tiêu xây dựng nhà lưu trú công nhân bên cạnh lượng nhà ở trọ của người dân cho thuê.
“Nếu không tính toán lượng nhà trọ thì rõ ràng khả năng đáp ứng nhu cầu cho công nhân là rất khó”, ông Tuấn nói.
Quốc Anh
Các tin khác