Câu chuyện bán nhà, đất hai giá (bán giá cao, ghi trong hợp đồng giá thấp để trốn thuế) được các đại biểu mổ xẻ sâu tại buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật đất đai 2013 sáng 24-4 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Báo cáo tại buổi khảo sát, UBND quận Gò Vấp cho rằng việc xác định đơn giá đất bồi thường khó khăn do giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng giao dịch thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế. Dựa trên những hợp đồng giao dịch thành công để xây dựng đơn giá đất bồi thường sẽ cho ra giá đất bồi thường rất thấp, đặc biệt đất nông nghiệp.
Việc khai giá bán nhà, đất thấp để trốn thuế diễn ra khá phổ biến - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều này dẫn đến thực tế, như đại biểu Trần Kim Yến phát biểu tại buổi khảo sát, tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ kinh phí để tái định cư, người dân không đồng ý giá bồi thường, số vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người liên quan đến bồi thường đất ngày càng nhiều và phức tạp, kéo dài. Đồng thời làm chậm tiến độ các dự án hạ tầng, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn vấn đề ở một góc khác, đó là một trong những tác hại của việc bán nhà đất giá cao trên thực tế nhưng lại ghi trên hợp đồng giá thấp để trốn thuế của đại đa số người dân hiện nay.
"Lâu nay, nhà nước thả nổi cho người dân trốn thuế. Một số đơn vị công chứng tiếp tay cho người dân trốn thuế bằng cách lờ đi việc ghi giá bán quá thấp trên hợp đồng. Các khâu trước bạ, đăng ký nhà, đất cũng không có kiểm soát và lưu ý cho những trường hợp ghi giá thấp.
Người muốn trung thực cũng phải đấu tranh lắm mới được ghi giá mua bán thực tế trên hợp đồng", ông Nghĩa nhận định.
Theo ông Nghĩa, tác hại của việc khai giá bán thấp để trốn thuế là giá tham chiếu để xây dựng giá bồi thường cũng thấp theo, làm ảnh hưởng đến người nhận bồi thường. Đồng thời, ghi giá đất giao dịch thấp còn làm méo mó giá thị trường.
Khai giá bán nhà, đất thấp khiến người được bồi thường đất bị thiệt thòi, nhất là đất nông nghiệp - Ảnh TỰ TRUNG
Dẫn thông tin từ Cục thuế TP.HCM, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết việc ghi giá mua bán đất trên hợp đồng thấp để trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước của TP.HCM 2.000 tỉ đồng mỗi năm.
Đề xuất nhà nước phải kiểm soát ngay lập tức, ông Nghĩa đặt câu hỏi các đơn vị công chứng, cơ quan đăng ký, cơ quan thuế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ghi giá thấp có chuyển sang cơ quan điều tra được không.
Các đại biểu khác cũng đề nghị xử lý hình sự điểm một số trường hợp ghi giá đất thấp để trốn thuế, đồng thời tuyên truyền mạnh hơn nữa cho người dân biết về việc này.
"Đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng kiểm soát ngay lập tức, không chờ đến khi sửa đổi Luật đất đai", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Theo D.N.Hà (tuoitre)
Các tin khác