Nhằm kích cầu tín dụng, phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm, nhiều ngân hàng đua nhau tung ra các gói cho vay với lãi suất hấp dẫn.
Trong đó, lãi suất cho vay mua nhà, mua ô tô tiếp tục có xu hướng giảm, thấp nhất chỉ từ 5,99-7%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm.
Đua lãi suất thấp
So với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng hiện thấp hơn từ 1-2%, dao động từ khoảng 5,99-11,5%/năm.
Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài, chỉ từ 6,49-8,8%/năm, trong khi các ngân hàng thương mại trong nước chào vay với lãi suất phổ biến từ 7-11%/năm. Mức lãi suất ưu đãi này sẽ áp dụng cố định trong 1-3 năm đầu, tùy ngân hàng và các chương trình ưu đãi tại thời điểm giải ngân. Sau thời gian ưu đãi trên, lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm 3-4%.
Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered và United Overseas Bank (UOB) đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi 6,48%/năm, hạn mức cho vay lên tới 75% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 20 năm; Hong Leong Bank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 6,75%/năm, tỉ lệ cho vay tối đa lên đến 80% giá trị bất động sản.
Ngân hàng Shinhan lần đầu tiên có gói vay mua nhà cố định lãi suất ưu đãi lên đến 48 tháng chỉ 8,7%/năm; cố định 12 tháng lãi suất giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm...
Về phía các ngân hàng trong nước, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Phương Đông (OCB) hiện có mức lãi suất ưu đãi thấp nhất thị trường, chỉ 5,99%/năm, hạn mức cho vay lên đến 90% thậm chí 100% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 25 năm. Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cố định trong thời gian vài tháng, sau đó sẽ thả nổi với biên độ từ 3,5-3,9%.
Một số các ngân hàng khác có lãi suất cho vay ưu đãi hấp dẫn như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 6,9%/năm, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) 7,49%/năm, Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 7,5%/năm, Công thương Việt Nam (VietinBank) 7,7%/năm.... Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 11,5%/năm, cao nhất trên thị trường.
Còn đối với lãi suất cho vay mua ô tô, mức phổ biến hiện nay ở khoảng 7-9%/năm áp dụng trong 3-12 tháng đầu, hạn mức phê duyệt từ 80-100% giá trị tài sản.
Cụ thể, Vietcombank đang áp dụng mức lãi suất 7,7%/năm cho 12 tháng đầu tiên, VietinBank áp mức 7,9%/năm cho cùng thời hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là 7,9%/năm cố định trong 24 tháng đầu.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua ô tô cũng khá cạnh tranh tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất cho vay mua ô tô còn 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đầu; tại MSB là 6,99%/năm; Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lãi suất chỉ từ 8%/năm; MB từ 8,5%/năm...
Còn với nhóm ngân hàng nước ngoài, Woori Bank cho vay với lãi suất 7%/năm, áp dụng trong 12 tháng đầu tiên; Standard Chartered áp dụng lãi suất 7,25%/năm cho 12 tháng đầu; ShinhanBank cho vay chỉ từ 7,5%/năm dành cho 12 tháng đầu; Hong Leong Bank cho vay với lãi suất 7,55%/năm, kỳ hạn 12 tháng đầu...
Lãi suất cho vay tại các ngân hàng tuy có chênh lệch đáng kể nhưng kèm theo đó cũng là các điều kiện về chứng minh thu nhập, thời gian xét duyệt, hạn mức giải ngân hay thời hạn cho vay tối đa khác nhau. Lãi suất càng ưu đãi thì những điều kiện đi kèm sẽ càng chặt chẽ, quy trình khắt khe hơn, nhất là tại các ngân hàng nước ngoài.
Cẩn trọng rủi ro
Theo Giám đốc bán lẻ của một ngân hàng tại Hà Nội, từ sau đại dịch COVID-19, "khẩu vị" rủi ro của các ngân hàng đã có sự thay đổi. Dù dòng vốn dư dả, nhưng việc xét duyệt các khoản vay không vì thế mà nới lỏng, ngược lại còn siết chặt hơn nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn.
"Lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong nhiều năm nên phần lớn khách hàng mua nhà, mua xe đều lựa chọn vay ngân hàng. Tuy nhiên, không ít khách hàng thiếu tính toán đến khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ trước khi đặt bút ký các hợp đồng vay. Mặt khác, ngân hàng cũng khó có thể phê duyệt các khoản vay khi hồ sơ tín dụng hay chứng minh thu nhập của khách hàng không đảm bảo khả năng trả nợ", vị Giám đốc này chia sẻ.
Anh Văn Trung, nhân viên tín dụng ngân hàng cho biết, khi đăng ký các gói vay, ngoài yếu tố về lãi suất, khách hàng cần quan tâm, tìm hiểu kỹ về thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn nợ (miễn trả nợ gốc hoặc lãi hoặc cả gốc và lãi trong một khoảng thời gian nhất định), phí phạt trả sớm... Đặc biệt, khách hàng cũng cần tính kỹ về khả năng trả nợ.
"Tính riêng khoản vay khoảng 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, mỗi tháng chi phí trả ngân hàng bao gồm cả lãi và nợ gốc cũng lên tới 6-8 triệu đồng. Nếu chỉ với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì khả năng trả nợ không dễ dàng", anh Trung tư vấn.
Mặt khác, theo anh Trung, một số ngân hàng chào vay vốn kèm theo ưu đãi về thời gian ân hạn nợ từ 12-24 tháng. Nhưng với ưu đãi này, hầu hết các ngân hàng chỉ ân hạn đối với nợ gốc, tức là khách hàng sẽ được miễn trả nợ gốc trong khoảng thời gian nhất định, còn hàng tháng vẫn phải trả lãi.
"Sản phẩm này tuy sẽ giúp khách hàng có một khoảng thời gian giãn ra để chuẩn bị nguồn tiền nhưng khoản lãi thực tế phải trả ngân hàng sẽ lớn hơn, thời gian trả nợ kéo dài hơn. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ xem ngân hàng ân hạn trên nợ gốc hay lãi, hay cả hai", anh Trung nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khuyến cáo để đảm bảo khả năng chi trả, người có nhu cầu vay vốn mua nhà nên tích lũy trước đó khoảng 20-30% giá trị tài sản và có thu nhập ổn định từ 25-40 triệu đồng/tháng trở lên.
"Dù vay tín chấp hay thế chấp, người vay cũng cần tính toán kế hoạch trả nợ chi tiết để vừa mua được nhà, được xe nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống, tránh bị phạt lãi quá hạn và bị nợ xấu ngân hàng", ông Lực cho hay.
Theo giới chuyên gia, cho vay mua nhà, mua ô tô vẫn là phân khúc ưa chuộng của các ngân hàng bởi thông thường, chính các tài sản cần mua được đem thế chấp làm tài sản đảm bảo, do đó rủi ro về nợ được phân tán. Dù vậy, trong bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực đang bị tác động nghiêm trọng từ dịch COVID-19, kéo theo thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng, các ngân hàng cần nghiên cứu kỹ để vừa thấu hiểu nhu cầu tài chính của khách hàng, tạo thuận cho người vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Theo Lê Phương (báo tin tức)
Các tin khác