Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội được nhấn mạnh trong nghị quyết và được nhiều cấp quan tâm đôn đốc nhưng đến thời điểm này chưa được triển khai. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chờ thống nhất cách làm, nhiều chuyên gia lo ngại, gói tín dụng "vẫn ở trên trời" nếu mức lãi suất chỉ thấp hơn mặt bằng lãi suất chung 1,5-2%.
Ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung. Theo đó, thị trường sẽ được cấp khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Người dân ngóng gói vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội
(trong ảnh một dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh: Như Ý
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chờ các ngân hàng thương mại thống nhất sẽ triển khai ngay gói 120.000 tỷ đồng. Vị này khẳng định, đây là lãi suất thương mại do 4 ngân hàng tự chủ động cân đối và không được tái cấp vốn như gói 30.000 tỷ đồng nhiều năm trước. Tuy nhiên, gói này có đối tượng, thời gian vay rõ ràng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đã có ý kiến gửi về Ngân hàng Nhà nước liên quan các dự án được vay theo gói tín dụng này. Theo đó, để đồng bộ quy định hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất đối tượng theo Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất từ ngân sách cho doanh nghiệp vay nhà ở xã hội, công nhân và cải tạo chung cư cũ. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Chủ đầu tư dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nói rằng, nếu lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại bình quân 13,5%, người mua nhà xã hội sẽ chịu lãi 11-12%. “Đây không phải là lãi suất của nhà ở xã hội và người mua không dám vay”, ông Châu nói. Ông cho rằng, gói giảm lãi Ngân hàng Nhà nước mới ban hành chỉ phù hợp với nhà ở thương mại.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng, nhưng với lãi suất trên 10%, tiền người mua nhà phải trả cho ngân hàng rất nhiều.
“Lãi suất cho vay quá cao làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản thêm khó khăn. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp (khoảng 6%/năm) và ổn định trong thời gian dài, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở. Còn gói 120.000 tỷ đồng vẫn trên trời”, ông Hiếu nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị định 31 mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn thúc các ngân hàng giải ngân tiếp gói hỗ trợ này. |
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
Các tin khác