Năm 2022 trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao, theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, vàng và bất động sản là hai kênh trú ẩn an toàn được người dân và nhà đầu tư lựa chọn.
Lạm phát bao trùm nền kinh tế
Kể từ đầu năm 2022, những căng thẳng liên quan đến chiến sự tại Ukraine khiến nền kinh tế thế giới vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, lại thêm "chao đảo" vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều nước đang phải chật vật ứng phó với bài toán lạm phát tăng phi mã.
Điển hình tại Mỹ, lạm phát đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 năm 2022 lần lượt là 8,5% và 8,3%, đều là những mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Trong khi đó, lạm phát ở Anh cũng ở mức gần 7% chạm ngưỡng kỷ lục trong ba thập kỷ. Tại Nga, mức lạm phát trong tháng 4 cũng đã tăng lên 17,62%% (so với 9,2% của tháng 2). Còn tại Việt Nam, dù các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các biện pháp tổng thể để ngăn chặn lạm phát, bão giá nhưng nền kinh tế vẫn đang chịu những áp lực nặng nền từ lạm phát.
Cụ thể, tại Việt Nam chỉ tính trong lĩnh vực xây dựng giá vật liệu xây dựng tăng từ 10 - 15% trong 2 tháng qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia cho biết giá nhiên liệu tăng khiến giá hàng hóa tăng được nhìn thấy rõ. Khả năng giá cước vận tải, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới, gây áp lực vô cùng lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đặc biệt, giá xăng dầu cuối tháng 5 đã phá kỷ lục vượt mốc hơn 30.000 đồng/lít khiến các mặt hàng khác đều thông báo tăng giá trong tháng 5 khiến nỗi lo lạm phát lại ám ảnh nền kinh tế. Theo các chuyên gia, hầu hết các lĩnh vực chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, xây dựng và bán lẻ... đều bị ảnh hưởng lớn do xăng dầu tăng giá quá nhanh và liên tục. Giá xăng cũng là "thủ phạm" có thể khiến giá cả nhiều hàng hóa tăng vào nhũng tháng cuối năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát làm hao mòn lợi nhuận thu được từ các khoản tiết kiệm, cho dù đó là tiền mặt hoặc tiết kiệm có lãi suất cố định như trái phiếu. Những khoản này mang lại lợi ích cho những người đầu tư vào tài sản hoặc cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao hơn, và dĩ nhiên rủi ro cũng cao hơn. Trong đó, đầu tư vào tài sản, cụ thể là vàng và bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư "chọn mặt gửi vàng".
Bất động sản chuẩn bị đón dòng tiền lớn trú ẩn trong lạm phát
Theo ông Trần Hoài Nam, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường một công ty bất động sản lớn tại TPHCM cho hay, nếu xét ở khía cạnh thanh khoản, khi lạm phát tăng cao, vàng sẽ là kênh nóng sốt hơn vì ai cũng có thể mua được trong khi bất động sản bị hạn chế do giá trị quá lớn. Nói cách khác, bất động sản vẫn là lựa chọn an toàn cho những cá nhân đang sở hữu dòng tiền lớn cần tìm một bến đỗ an tâm. Với lý do đó, năm 2022, thị trường sẽ đón dòng tiền khổng lồ chạy theo hướng mua tích trữ tài sản, đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại khi cân nhắc nên chọn bất động sản ra sao để tránh khỏi bẫy thị trường. Theo TS.Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia Địa ốc Đại học Ngân hàng TPHCM đánh giá, bất chấp lạm phát, quy luật về hàng hóa cầu cao, cung còn quá ít lại càng là lựa chọn an toàn. Những dòng sản phẩm bất động sản mới, được sự chào đón và công nhận của thị trường, chạm đúng thị hiếu người mua thì việc sở hữu chúng luôn mang lại giá trị ở hiện tại và thỏa cả yếu tố đầu tư lâu dài.
Theo Ánh Dương (CafeF)
Các tin khác