Phân tích kỹ các vụ giả mạo sổ hồng, sổ đỏ mà Công an TP.HCM đã phát hiện gần đây cho thấy, công nghệ hiện đại khiến việc làm giả ngày càng tinh vi, với giá rất rẻ. Trong khi đó, việc phát hiện không đơn giản.
Làm giả bằng kỹ thuật in phun màu
Ở vụ việc bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (ngụ tại quận 11, TP.HCM) bị làm giả sổ đỏ và giấy ủy quyền căn nhà số 236 - Nguyễn Thị Nhỏ mà Báo Đầu tư đã phản ánh ở số báo 138, ra ngày 18/11/2019, các loại giấy tờ giả đã được đưa đến cơ quan chức năng giám định phục vụ điều tra. Theo cơ quan chức năng, cả sổ đỏ và giấy ủy quyền khả năng cao là làm giả bằng công nghệ in phun màu.
Theo cơ quan chức năng, nếu như 5 năm trước, sổ đỏ giả được làm từ phôi thật, rồi giả chữ ký, không khó để phát hiện, thì gần đây, tội phạm thường sử dụng công nghệ in phun màu để làm như thật, tinh vi đến mức khó nhận ra.
Sổ đỏ giả bị UBND phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) phát hiện.
Để có được thông tin sổ đỏ, sổ hồng hay giấy tờ liên quan, các đối tượng thường đóng vai người mua đi tìm nhà, đất để đầu tư. Qua trao đổi với chủ đất thật, nhóm này xin chụp, photocopy giấy tờ rồi lấy các thông tin có trên giấy thật như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, vị trí đất về làm giả để đăng bán hoặc lừa cầm cố, thế chấp. Nhiều đối tượng còn tìm cách vờ hỏi mua nhà, lựa lúc chủ nhà bất cẩn, đem giấy tờ giả tráo đổi với giấy tờ thật để bán.
Đáng nói là, dịch vụ làm sổ đỏ, sổ hồng giả tràn ngập trên mạng với giá rất rẻ.
Điển hình là vụ việc xảy ra tháng 6/2019, hai đối tượng Lê Đình Nguyên (hộ khẩu Cần Thơ) và Trần Kim Ngót (hộ khẩu Cà Mau) mang hồ sơ chứng từ tới phòng công chứng để hoàn thiện thủ tục thế chấp làm hợp đồng vay vốn kinh doanh. May mắn là cán bộ Phòng công chứng số 3 phát hiện căn cước công dân mang tên một người, nhưng hình của người khác, cùng cuốn sổ hồng có dấu hiệu giả mạo, lập tức giữ lại báo cơ quan công an.
Khai nhận với công an, Nguyên cho hay, đã giao dịch qua điện thoại thuê đối tượng tên Vũ ở TP.HCM làm giả các giấy tờ trên chỉ với giá… 8,5 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ một tiệm photocopy lớn ở quận Tân Bình cho biết, hầu như tiệm photocopy lớn nào cũng có thể làm được giấy tờ sổ đỏ. Để minh chứng, Phúc dẫn chúng tôi tới tiệm, bật máy tính, máy scan, máy in rồi scan cuốn sổ đỏ của tôi. Vài phút sau, chương trình photoshop chuyên nghiệp trên máy tính đã bật lên, tất cả các chi tiết như tên họ, số thửa đất, con dấu, chữ ký “xịn” trên cuốn sổ của tôi được Phúc chỉnh sửa. Nếu muốn sổ đỏ của tôi do chính quyền tỉnh Bình Dương cấp, Phúc gõ từ khóa tìm kiếm google xem hình thức, chữ ký, con dấu của nơi đó rồi copy y chang gắn vào, in ra là có một cuốn sổ đỏ như thật.
“Chỉ cần dùng máy scan giấy tờ thành file, rồi dùng phần mềm chỉnh sửa thông số, cân chỉnh màu sắc theo đúng mẫu, chọn loại giấy phù hợp, ví như sổ đỏ phải có giấy của nó, chứng minh thì loại giấy khác… và in bằng máy in màu laser là được. Tiền công làm giả mấy thứ như chứng minh thư, giấy phép lái xe chỉ cỡ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Còn với sổ đỏ, sổ hồng nhà đất, chỉ cỡ 4-5 triệu đồng”, Phúc cho hay.
Theo Phúc, các tiệm photocopy bị kiểm tra gắt gao, nên những kẻ làm giấy tờ giả thường chọn địa điểm vùng ngoại thành, huyện thị, hay tỉnh lân cận TP.HCM.
Khó xử lý triệt để
Hiện muốn xác minh chủ quyền nhà đất, có 3 cơ quan chuyên môn là Văn phòng công chứng (dùng máy phát hiện giả mạo, kết hợp trình độ công chứng viên); viện hoặc phân viện khoa học hình sự hoặc phòng chuyên môn ngành công an (giám định) và Văn phòng đăng ký quản lý đất đai chi nhánh các quận huyện (xác định biến động chủ quyền nhà đất).
Cầm cuốn sổ đỏ giả lên gặp Nguyễn Long, quản lý Văn phòng công chứng quận Tân Bình, TP.HCM. Long cũng như nhân viên đều không thể phân biệt được thật giả khi nhìn bằng mắt thường. Chỉ khi đặt cuốn sổ đỏ giả dưới máy soi dạng hiển vi, so sánh con dấu giả với dấu thật của cơ quan chức năng Bình Dương, kết hợp với những kỹ thuật nhận diện đã học kỹ, trao đổi với nhau như bác sỹ hội chẩn, nhân viên phòng công chứng mới khẳng định là giả.
Như vậy, việc làm sổ đỏ, sổ hồng, hay giấy tờ giả khác quá dễ dàng và lại cực khó phát hiện nếu không có bộ phận nghiệp vụ. Nhiều văn phòng công chứng không có đủ thiết bị hoặc nhân viên trình độ non cũng không thể phát hiện được.
Một giải pháp giảm thiểu nạn làm giả sổ đỏ là người mua bán ngoài nhờ sự kiểm tra của Văn phòng công chứng, thì cần tới kiểm tra tại Văn phòng đăng ký quản lý đất đai.
Tuy nhiên, để có được văn bản xác định biến động bất động sản từ Văn phòng đăng ký quản lý đất đai, nhanh thì nửa tháng, chậm có khi cả tháng. Trong khi giao dịch nhà đất chậm một chút là có thể có biến động về giá hoặc người mua, người bán hủy giao dịch, vì vậy việc xác minh qua Văn phòng đăng ký quản lý đất đai ít mang lại hiệu quả.
Còn việc nhờ cơ quan công an cũng không dễ dàng, bởi viện hay phân viện khoa học hình sự hoặc phòng chuyên môn công an chỉ vào cuộc khi sự việc đã xảy ra và chỉ thực hiện giám định nhằm phục vụ điều tra vụ án, chứ không giám định để phục vụ cho những giao dịch dân sự.
Như vậy, để ngăn chặn nạn làm giả sổ đỏ, sổ hồng giả còn cả chặng đường dài.
Làm giả sổ đỏ cả khu đất lớn để vẽ, bán dự án “ảo”
Một vụ việc làm giả sổ đỏ đình đám bị phát hiện mới đây cho thấy mức độ táo tợn của những kẻ lừa đảo. Theo đó, hồi cuối tháng 8/2019, UBND phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) qua kiểm tra đã phát hiện Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thuộc thửa đất số 101, 113, 114, 115, tờ bản đồ số 2, thuộc tổ 33, khu phố 2, phường Thạnh Xuân. Công ty này tự vẽ phân khu đất thành hơn 60 lô và rao bán dưới mác "dự án".
Theo Ngô Nguyên (baodautu)
Các tin khác