Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam

Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam

Trang chủ » Tin tức » Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam

Cấu trúc kinh tế ở đây không chỉ được hiểu là cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành này ngành kia trong GDP, mà được hiểu theo ý niệm phân tích vào – ra (Input/Output – I/O) kiểu Leontief(1).

Bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy:

– Cấu trúc liên ngành của Việt Nam trong giai đoạn (khoảng từ 2008-2021: giả thiết bảng I/O 2012 đại diện giai đoạn 2008-2013; bảng I/O 2016 đại diện giai đoạn 2013-2017; bảng I/O 2019 đại diện giai đoạn 2017-2021) hầu như không có sự thay đổi đáng kể so với các giai đoạn trước. Kết quả tính toán cho thấy, trong cả giai đoạn 2008-2021, kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và trong giai đoạn hiện nay (bảng I/O 2019 là đại diện) mức độ thâm dụng vốn có xu hướng tăng lên (xem bảng 1). Điều này một phần không nhỏ là do tăng lương không dựa vào tăng năng suất lao động.

– Về nông nghiệp: Trong 27 tiểu ngành của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong bảng cân đối liên ngành của Việt Nam(2) có đến 22 ngành có hệ số lan tỏa cao đến giá trị tăng thêm và lan tỏa thấp đến nhập khẩu.

– Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Gồm 63 tiểu ngành, nhưng chỉ có 11 tiểu ngành có chỉ số lan tỏa cao đến giá trị tăng và lan tỏa thấp đến nhập khẩu; trong đó 9 nhóm ngành thuộc về công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, đó là (1) sản phẩm chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; (2) chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm thủy sản; (3) sản phẩm của xay xát; (4) mật ong; (5) ca cao, chocolate và bánh kẹo, sản phẩm bánh từ bột mì; (6) cà phê; (7) trà; (8) rượu các loại; (9) bia.

– Về kinh tế số: Trong 63 tiểu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 2 ngành thuộc về kinh tế số là (1) ngành sản phẩm linh kiện điện tử; máy tính và thiết bị ngoại vi máy tính và (2) thiết bị thông tin liên lạc (điện thoại, máy fax, anten, modem) đều có chỉ số lan tỏa thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế khá nhiều.

Còn trong các ngành dịch vụ có các ngành: (1) dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh; (2) xuất bản sản phẩm; (3) dịch vụ phim, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; (4) dịch vụ phát thanh và truyền hình; (5) dịch vụ viễn thông; (6) dịch vụ lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy tính; (7) dịch vụ thông tin; (8) dịch vụ sửa chữa máy tính.

Trong các tiểu ngành liên quan về lĩnh vực kinh tế số có 5 ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp đó là: dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh; dịch vụ phim, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; dịch vụ phát thanh và truyền hình; dịch vụ lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy tính; dịch vụ thông tin.

Cùng với nhóm ngành kinh tế số, nhóm ngành công nghiệp lại lan tỏa lớn nhất đến nhập khẩu. Điều này phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này không cao nếu không muốn nói là thấp và cơ bản làm gia công.

Bảng 2 cho thấy nhóm sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp lan tỏa rất cao đến sản lượng, nhưng lại lan tỏa thấp đến giá trị tăng thêm ở các giai đoạn; tỷ lệ lan tỏa đến giá trị tăng thêm so với sản lượng thấp nhất trong các ngành khảo sát trong mô hình. Tuy nhiên, cùng với nhóm ngành kinh tế số, nhóm ngành công nghiệp lại lan tỏa lớn nhất đến nhập khẩu. Điều này phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này không cao nếu không muốn nói là thấp và cơ bản làm gia công.

(1) The Structure of American Economy, 1919-1929: An Empirical Application of Equilibrium Analysis by Wassily W. Leontief Review by: K. E. Boulding

(2) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2019/04/bang-can-doi-lien-nganh-input-outputi-o-cua-viet-nam-2/

Theo Bùi Trinh (thesaigontime)

Các tin khác