Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định Thông tư 06 không có bất cứ quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án bất động sản.
Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng đều
Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh bền vững. Chính vì vậy, quy mô dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng đều qua các năm và đến nay đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 21,63% tổng dư nợ nền kinh tế.
"Tại Thông tư 06 không cấm cho vay thực hiện dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; trong đó, có Luật Kinh doanh bất động sản…", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.
Theo ông Phạm Chí Quang, quy định này trên cơ sở kiến nghị của thanh tra với mục đích nâng cao hiệu quả và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, tập trung vốn cho vay đối với các dự án trong cùng hệ sinh thái, che giấu tình trạng đào nợ, qua đó góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.
Đồng thời, góp phần hỗ trợ chủ đầu tư dự án bất động sản tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; tạo cơ sở cho thị trường bất động sản an toàn, bền vững, bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân mua bất động sản, nhà ở.
Ngoài quy định nêu trên, Thông tư 06 đã có nhiều bước tiến lớn so với Thông tư số 39 trước đó thông qua việc loại bỏ một số hạn chế và mở ra nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung
Theo ông Phạm Chí Quang, Thông tư 06 đã bắt kịp xu hướng hoạt động ngân hàng; cho vay khách hàng hướng tới số hóa thông qua các phương tiện điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng và tiết kiệm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước còn bổ sung quy định: tổ chức tín dụng được cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác, áp dụng cho hoạt động tiêu dùng; trong đó có nhu cầu mua nhà...
"Tác động này rất lớn, tạo điều kiện cho khách hàng; trong đó vay mua nhà ở, bất động sản vay với mức lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn. Với những điểm thay đổi này, khách hàng vay vốn; trong đó có khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được hưởng lợi từ Thông tư 06 mang lại", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.
Tuy nhiên, ông Phạm Chí Quang cũng cho biết, sau khi Thông tư 06 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như là phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để Ngân hàng Nhà nước xem xét.
"Cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn, lành mạnh và không có những rủi ro phát sinh. Từ đó, đảm bảo Thông tư 06 đi vào cuộc sống và vận hành tốt, đáp ứng tối đa các nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp; trong đó, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản", ông Phạm Chí Quang cho biết.
Trước đó, khi Thông tư 06 ban hành (có hiệu lực từ 1/9), các doanh nghiệp lo ngại thông tư này của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.
Ngay sau khi Thông tư 06 được ban hành, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi thông tư.
Hiệp hội này cho rằng thông tư đã dựng thêm "rào chắn" tiếp cận tín dụng so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng.
Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công văn hỏa tốc về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Theo công văn, để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03 ngày 17/4/2023. Công văn yêu cầu báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2023. |
Theo Thùy Linh (vtv.vn)
Các tin khác