Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại TP.HCM không đảm bảo chất lượng, hoặc bán với giá cao đang bị bỏ hoang nhiều năm, chôn theo hàng ngàn tỷ đồng, gây lãng phí nguồn lực lớn.
Thừa 9.400 căn hộ tái định cư
Tới khu tái định cư Bình Khánh (khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM), đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn. Với diện tích 38,4 ha, hàng chục khối nhà đồ sộ, hạ tầng được đầu tư bài bản, đây là khu tái định cư lớn nhất TP.HCM. Được hoàn thành từ năm 2015, nhưng đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.
Là một trong số rất ít gia đình dọn về khu tái định cư Bình Khánh sinh sống, ông Đặng Hữu Cường cho hay, giá bán nhà tái định cư ở đây khá đắt, nhiều người không đủ tiền mua, nên đành rao bán lại suất nhà của mình cho người khác.
“Khu này xây dựng cho 2.200 hộ, nhưng đến nay, chưa đủ 1/2 số hộ đến ở. Phần lớn người dọn đến chỉ ở 1 dãy mặt ngoài đường Mai Chí Thọ, còn phía trong vẫn trống rỗng”, ông Cường nói.
Tương tự, khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cũng đang bỏ trống hơn 1.000 căn nhà tái định cư. Dự án này được được TP.HCM chi ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, với 1.939 căn hộ và 529 nền đất, hoàn thành vào năm 2008.
Tuy nhiên, sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, mới có khoảng 25% số căn hộ trên có chủ, còn lại vẫn bỏ hoang. Do để lâu không có người ở và không được duy tu, nên các block chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Hành lang, lối đi bị sụt lún, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hư hại. Những người dân về sinh sống tại đây cũng than thở, chất lượng căn hộ và hệ thống hạ tầng của khu chất lượng rất kém, mới ở vài năm mà nhiều hộ đã phải đầu tư tiền triệu để nâng cấp, sửa chữa, chủ yếu là chống thấm, vá vết nứt, sửa hệ thống điện nước.
Còn tại Dự án Tái định cư số 60 - Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hàng trăm căn nhà tái định cư vẫn bỏ hoang. Tại quận 7, ngay sát khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, khu tái định cư Phú Mỹ với khoảng 200 căn hộ tái định cư cũng chưa được sử dụng dù đã hoàn thành khá lâu, khiến hạ tầng, chất lượng chung cư, các dịch vụ bị xuống cấp trầm trọng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện toàn Thành phố còn thừa đến 9.400 căn hộ tái định cư và 2.250 nền đất. Trong đó, dự án có lượng căn hộ bỏ trống nhiều nhất là khu tái định cư Bình Khánh (5.334 căn), khu tái định cư Vĩnh Lộc B (1.545 căn)... Để bảo dưỡng các căn hộ, tránh xuống cấp, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 70 tỷ đồng.
Đấu giá nhiều lần vẫn… ế vì “nói thách”
Để “giải cứu” 9.400 căn hộ tái định cư này, UBND TP.HCM đã nhiều lần đưa ra đấu giá, nhưng bất thành. Năm 2017, TP.HCM bán đấu giá 3.790 căn với mức giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng; năm 2018, đấu giá lần thứ 2 với mức giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng và lần thứ 3 vào năm 2019 với giá khởi điểm 9.900 tỷ đồng, nhưng cả 3 lần đều không thành công. Mới đây nhất, 2.220 căn hộ được đưa ra đấu giá, nhưng vẫn không có doanh nghiệp nào tham gia.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, tại thời điểm TP.HCM công bố chủ trương bán đấu giá hơn 3.700 căn hộ tái định cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, doanh nghiệp này đã xem xét, nhưng thấy giá khởi điểm đưa ra khá cao, nên không tham gia.
“Các chủ đầu tư dự án thương mại phải tính toán để chi phí đầu tư rẻ hơn và quản lý được chất lượng tòa nhà ngay từ đầu. Hơn nữa, khách hàng cũng không thích căn hộ tái định cư so với nhà ở thương mại, nên rất khó bán”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở đang bị thiếu, việc TP.HCM đưa hàng ngàn căn tái định cư ra đấu giá sẽ giúp tăng thêm lượng lớn nguồn cung, song do số lượng căn hộ quá lớn, không chia thành nhiều gói nhỏ, nên không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính tham gia, mặc dù rất quan tâm. Đó là chưa kể, mức giá căn hộ tái định cư được đưa ra quá cao so với chất lượng của công trình.
“Giải quyết bài toán này rất đơn giản. Chỉ cần xé nhỏ số lượng căn hộ để bán theo cụm, khối nhà hoặc có thể chia ra theo sàn, cụm, thậm chí bán lẻ từng căn và tính toán lại giá khởi điểm một cách hợp lý”, ông Phúc khuyến nghị.
Khoảng 30.000 tỷ đồng chôn trong 9.400 căn hộ bỏ hoang Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc bày tỏ sự tiếc nuối, khi hàng ngàn tỷ đồng đang bị “chôn” trong đất. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, tổng giá trị 9.400 căn hộ tái định cư bỏ hoang ước khoảng 30.000 tỷ đồng, đủ xây 13 cây cầu nối quận 9 (TP.HCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nếu số tiền này vay từ ngân hàng, giả sử lãi suất 10%/năm, mỗi năm phát sinh 3.000 tỷ đồng tiền lãi, đủ để xây cầu Thủ Thiêm 2. |
Trọng Tín (tuoitre)
Các tin khác