Khoảng 500 nữ công nhân lao động thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tham dự chương trình tiếp xúc cử tri nữ chủ đề "Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động" do HĐND TP.HCM chủ trì sáng 24-4.
Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - chủ trì buổi tiếp xúc cùng với đại diện nhiều sở, ngành liên quan nhằm ghi nhận ý kiến cũng như trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người lao động.
Nữ tài xế Grab Nguyễn Thị Thu Phương cho biết với thu nhập khoảng 7 triệu thì việc mua nhà ở xã hội là rất khó khăn
Thu nhập + tích lũy không đủ tiền mua nhà
Ngoài 100 công nhân có mặt trực tiếp tại điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị TP (quận 3), 400 công nhân, nữ lao động có mặt tại 4 điểm cầu kết nối trực tuyến gồm Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND quận 12 và Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza).
Chị Đặng Thị Tuyết Nhung - cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an TPHCM - nêu ý kiến rằng nhà đất quá cao nên người lao động không thể mua được nhà ở.
Chị mong muốn chính quyền TP có giải pháp để kiểm soát giá nhà đất tăng cao, giá ảo, để đưa giá nhà đất về giá trị thực vốn có của nó, phù hợp với túi tiền của người lao động.
"Lương không tăng nhưng vật giá tăng, thêm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống càng khó khăn. Tôi mong muốn TP có chính sách cho công nhân được mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê giá rẻ để công nhân giảm bớt gánh nặng về nhà ở" - chị Hà Thị Trang, người lao động Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, kiến nghị.
Người lao động mong muốn có kênh thông tin chính thống để tìm hiểu và đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội theo nhu cầu. Ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết người lao động hãy truy cập website và app di động SXD247 để biết thông tin về dự án nhà ở xã hội.
"Đây là kênh thông tin chính thức về các dự án nhà ở của TP.HCM với đầy đủ thông tin về tên dự án, chủ đầu tư. Các dự án được đăng tải là các dự án đã thực hiện xong thủ tục pháp lý và được mở bán" - ông Khiết nêu.
Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - trò chuyện với các nữ cử tri tại buổi tiếp xúc
Rà soát tạo lập quỹ đất xây nhà ở xã hội
TP.HCM cần tập trung đẩy nhanh mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng nhận định nhà thuê là chính sách rất lớn mà TP.HCM cần xây dựng. Theo bà, tuy TP.HCM đã thấy nhưng các vấn đề pháp lý chưa gỡ được.
Khảo sát cũng cho thấy nhiều người lao động không có đủ điều kiện mua nhà, nhưng một số công nhân miền Tây chỉ có nhu cầu thuê để có chỗ ở ổn định, sau đó họ quay về quê. Trong khi đó, chất lượng nhà trọ còn rất thấp.
"Chính sách pháp luật phải tính đến việc xây dựng nhà cho thuê, để người lao động có nơi ở an toàn, sạch đẹp, có trường học, bệnh viện thuận lợi, giảm tải các áp lực khác như đi lại, chợ búa… Đây là chính sách khả thi hơn, căn cơ hơn so với việc xây nhà ở xã hội để bán cho người lao động thu nhập thấp" - bà Thúy nhận định.
Chị Hà Thị Trang - người lao động Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina - kiến nghị xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá ưu đãi do hiện nay phần lớn người lao động không có khả năng tích lũy để mua nhà
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết năm nay HĐND TP chọn một chủ đề đặc biệt về an sinh xã hội, nhà ở xã hội với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động để từ đó xây dựng chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế TP.HCM.
Bà yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan quản lý về lao động, xây dựng có trách nhiệm giải đáp đầy đủ các kiến nghị của cử tri nữ, quan tâm đến chính sách an sinh nói chung và chính sách nhà ở nói riêng.
TP.HCM cần tập trung đẩy nhanh mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra; đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó quan tâm, ưu tiên các dự án nhà lưu trú, nhà ở cho thuê cho công nhân lao động.
Giá nhà ở xã hội hiện nay khoảng 20 triệu đồng/m2 Tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cung cấp thông tin chung về hiện trạng nhà ở xã hội cũng như kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM. Từ năm 2016-2020, TP.HCM có 19 dự án nhà ở xã hội với khoảng 15.000 căn, trong đó có 2 dự án vốn ngân sách, 16 dự án vốn doanh nghiệp. Định hướng 2021-2025, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu thực hiện 47 dự án với khoảng 35.000 căn hộ, tập trung tại quận 12, quận Bình Tân, TP Thủ Đức. Tuy nhiên, số dự án hiện tại đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đủ điều kiện mở bán hiện nay chỉ khoảng 14 dự án với 15.000 căn hộ. Giá nhà ở xã hội cũng đã tăng lên. Trước năm 2019, giá bán là 16 triệu/m2 nhưng hiện nay giá nhà ở xã hội trên dưới 20 triệu đồng/m2, tương đương giá bán một căn nhà ở xã hội dao động ở mức 1-1,6 tỉ. "Với giá căn hộ hiện nay 1-1,6 tỉ thì thời gian trả góp sẽ kéo dài hơn, nhưng hiện nay quy định hỗ trợ cho vay chỉ tối đa 15 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu? Do đó giữa chính sách và thực tế đang có độ chênh và cần có sự điều chỉnh" - ông Khiết nêu. |
Theo Vũ Thủy- Ảnh Duyên Phan (tuoitre)
Các tin khác