Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, cho rằng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, nhưng trên thị trường, nhà đầu tư lại tập trung nhiều cho tầng lớp trung lưu.
Tại hội thảo “Phát triển bất động sản Việt Nam - Tầm nhìn và triển vọng”, ngày 11/8, các chuyên gia cho rằng trong khoảng 10-15 năm tới, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở chung cư tiếp tục phát triển mạnh.
Bất động sản đang tập trung cho người giàu
PGS.TS Vũ Đình Hòe, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Trong vòng 10 năm nữa, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng”.
PGS.TS Vũ Đình Hòe ước tính trong 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình.
Đồng ý quan điểm này, ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Quản lý bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) cũng cho rằng 10-15 năm tới, phát triển chung cư sẽ là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Chủ trương của TP.HCM là phát triển lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch của thành phố, nhằm tránh phát triển quá nóng để hướng đến bền vững”, ông Sơn nói thêm.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lại cho rằng nhu cầu căn hộ chung cư rất cao thời gian tới, nhưng các nhà đầu tư đang quá chú trọng cho những dự án hạng sang.
“Phân khúc nhà ở xã hội, nhà bình dân vốn là một lợi thế rất lớn nhưng các nhà đầu tư lại xây dựng, phát triển bất động sản xa hoa, rất xa hoa, chỉ dành riêng cho những người có thu nhập cao, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Các nhà đầu tư nên nhớ rằng nhà bất động sản là dành cho mọi người, trong đó có rất đông người tiêu dùng bình dân, đại chúng chứ không chỉ phục vụ tầng lớp trung lưu”, ông Lộc cho hay.
Chỉ 70% sản phẩm bán được
Theo ông Phạm Văn Thường - Trưởng phòng Quản lý bất động sản (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng), hiện nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM rất lớn. Trung bình mỗi thị trường cung cấp khoảng 60.000-80.000 căn hộ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thường, chỉ 70% trong số này đã được chào bán, số còn lại vẫn chưa thể tiêu thụ được. Nguyên nhân là do giá bán các căn hộ hiện khá cao, vượt quá sức mua của người dân.
“Đánh giá chung thì thị trường bất động sản sẽ khá ổn định và không nhiều biến động cho đến năm 2019. Thị trường sẽ có những biến động cục bộ liên quan những quy hoạch mới, như dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai)... Nhưng những cơn sốt cục bộ này sẽ được giải quyết khi có sự vào cuộc của chính quyền”, vị này nói thêm.
Người bình dân phải tiếp cận được cuộc sống thông minh
TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển thị trường bất động sản trong 10-15 năm tới. Do đó, sự phát triển của thị trường tất yếu sẽ hướng đến phát triển đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM như những quy hoạch, đề án mà thành phố đang xây dựng.
Các chuyên gia cho rằng trong tương lai bất động sản thông minh sẽ phát triển tương ứng các dự án đô thị thông minh.
Hội thảo đã lấy ý kiến tại chỗ của hơn 300 đại diện các doanh nghiệp bất động sản về đề án xây dựng thành phố thông minh. Kết quả cho thấy 97% ý kiến doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đề án này. Tuy nhiên, với bất động sản thông minh, có đến 65% người được lấy ý kiến cho rằng chỉ “biết sơ sơ” về các dự án, thậm chí 47% người nói hiểu được giá trị của bất động sản thông minh, nhưng vẫn “chưa thấy rõ tính thông minh”.
Trước nhiều ý kiến quan tâm đến việc xây dựng, bất động sản thông minh thế nào cho phù hợp sự phát triển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Ngô Đông Hải, nhấn mạnh dù đa dạng thế nào, từ thành phố thông minh, chung cư thông minh, căn hộ thông minh hay thậm chí điện thoại thông minh, thì mục tiêu cần phải đạt là khả năng kết nối, và tính thực tiễn.
Theo ông Hải, sản phẩm có thể đặc biệt nhưng không được quá đặc thù, bởi nó chỉ có thể nổi trội ở thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ bị tách biệt, và không thể đồng bộ. Ông cho rằng việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ để phục vụ là rất quan trọng, để giải quyết các vấn nạn giao thông, môi trường hướng đến mục đích bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc thì nhấn mạnh: "Đô thị thông minh phải dành cho tất cả mọi người. Người bình dân phải được bình đẳng tiếp cận được mô hình sống thông minh mà chúng ta đang hướng đến. Song song đó, các nhà đầu tư và chính quyền cũng phải triển khai các biện pháp cụ thể, nhằm xây dựng chuẩn mực, quy chế thúc đẩy xu hướng mới này”, ông Lộc nói.
Các tin khác